Đọc bài viết Nên bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học của Chung Nguyên đăng trên Thanh Niên ngày 12.08.2015, tôi cảm thấy bất bình. Đáng tiếc, có rất nhiều ý kiến đồng ý với bài viết mà không xét đến việc vì sao lại có chính sách ấy, cũng như cảm nhận của những bạn trẻ nằm trong đối tượng được ưu tiên.
Điểm thi đại học chỉ là bước đệm, ra trường có trở thành bác sĩ giỏi hay không, còn phụ thuộc quá trình nỗ lực trong những năm đại học - Ảnh minh họa: Tuệ Nguyển
|
Tôi không dám nói rằng mình là người có nhiều trải nghiệm, nhưng ở những nơi mà tôi đã đi qua, tôi tin rằng, còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được động viên, chắp cánh. Tôi biết, nhiều em học sinh ở đảo Bình Ba (Khánh Hòa) mỗi ngày phải đi đò 15 phút vào đất liền, sau đó đạp xe thêm 15 km nữa để đến lớp. Tôi biết có đứa trẻ nghèo sống với bà ngoại, đứng trước nguy cơ bị bỏ học vì không có tiền nộp học phí. Tôi biết có những đứa trẻ học một buổi, buổi còn lại phải đi bẻ đầu cá, đi làm thêm kiếm tiền mưu sinh.
Cuộc sống của người dân ở nhiều nơi trên nước ta còn quá khó khăn, những đứa trẻ ở xa ánh điện thành phố phải lo lắng nhiều nỗi lo của người lớn để thực hiện ước mơ của mình. Những đứa trẻ ấy không có đủ điều kiện học tập, không có được thầy hay bạn giỏi chỉ bảo, không có những phòng thí nghiệm hiện đại để thực hành… nhưng vẫn cố gắng vươn lên, giành lấy kết quả cao trong học tập.
|
Đối với những người là con thương binh liệt sỹ, chúng ta cũng nên có cái nhìn rộng mở hơn và đa chiều hơn. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng không có nghĩa là nó không còn ám ảnh đối với thế hệ sau này. Những con người không còn lành lặn trở về sau chiến tranh, họ không có nhiều cơ hội để làm việc, để lo lắng cho cuộc đời của con em mình được sung túc. Chưa kể, một số người bị nhiễm chất độc da cam, con cái sinh ra cũng có phần bị ảnh hưởng, thậm chí trở thành gánh nặng của gia đình. Còn các bạn, ba mẹ của các bạn đã ở đâu suốt những năm máu lửa ấy, sao không oằn mình chở che cho đất nước như vậy để bây giờ được cộng điểm ưu tiên?
Nhiều bạn nói rằng học ngành y cần những người có điểm cao, cần những người tài… Nhưng thực tế, không phải cứ điểm cao là giỏi. Bạn giải được nhiều bài toán khó vì các bạn được tiếp cận, được học với những người thầy giỏi, đoán đề gần đúng với đề thi nên được điểm cao. Cách đây vài năm, cùng lứa của tôi, tôi còn nghe một số bạn thủ khoa đại học nói rằng bạn đậu đại học mà không hề đi học thêm. Lúc ấy, bây giờ và ngày sau nữa, tôi tin chắc rằng, nếu có ai chỉ học trong sách giáo khoa, không hề cắp sách đến bất kì lò luyện thi nào mà đậu đại học, tôi mới tin là kỳ tích.
Điểm thi vào đại học chỉ là một bước đệm để các em có thể vào tương lai mà thôi, còn ra trường có trở thành bác sĩ giỏi hay không, còn là cả quá trình nỗ lực trong những năm đại học. Vào được đại học, cùng ở một vị trí xuất phát thì điểm thi có là 30 cũng như 25 điểm mà thôi. Biết bao nhiêu người là thủ khoa, thi đầu vào ngất trời mà vẫn học lại, thi lại đấy thôi. Vậy lấy gì mà bạn Chung Nguyễn đảm bảo rằng những người đậu Đại học Y nhờ vài - điểm - ưu - tiên sẽ cầm dao giết người sau 6 năm nữa?
Thay cho lời kết của bài viết này, tôi muốn nói rằng, núi cao còn có núi cao hơn. Đừng ngồi đây và ủ ê rằng vì sao họ được cộng điểm ưu tiên, vì sao mình 27, 28 điểm vẫn trượt đại học, mà hãy nghĩ cách để học tốt hơn, suy nghĩ xa hơn. Không ai phạm vào cuộc sống của ai cả. Nếu bạn thực sự giỏi, thực sự có năng lực, cơ hội sẽ đến với bạn.
Bình luận (0)