Thất nghiệp là… đi làm mạng xã hội?: Đời không như là mơ

21/07/2023 06:00 GMT+7

Hiện nay, không ít người trẻ cho rằng làm TikToker, YouTuber... sẽ có thu nhập cao, được nổi tiếng; nhưng thực tế đằng sau những hào nhoáng là sự đánh đổi.

Quay lại nghề cũ vì không trụ nổi

22 giờ, M.C.T (26 tuổi), ngụ Q.6, TP.HCM, làm travel blogger (sáng tạo nội dung lĩnh vực du lịch), vẫn cặm cụi sửa từng tấm hình chụp ở tỉnh Ninh Thuận để đăng tải lên kênh mạng xã hội của mình. Nếu chậm trễ, T. sẽ không nhận được tiền quảng cáo.

"Bây giờ mỗi chuyến đi của mình không còn là hưởng thụ như trước nữa, mà lúc nào cũng lỉnh kỉnh máy móc. Trong hành trình, mình luôn suy nghĩ phải chụp, viết như thế nào để thu hút người xem", T. chia sẻ về công việc travel blogger của mình.

Thất nghiệp là… đi làm mạng xã hội ?: Đời không như là mơ   - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội phải chịu không ít áp lực

Tấn Đạt

Trước đây, T. làm ở lĩnh vực bất động sản (mảng hành chính), thu nhập từ 17 - 20 triệu đồng/tháng. Khi đó hầu như tháng nào T. cũng làm một chuyến đi chơi nghỉ dưỡng rồi đăng hình ảnh lên mạng xã hội. Cũng từ đó mọi người biết đến T. nhiều hơn và thi thoảng một số nhãn hàng, chủ homestay, nhà hàng… chủ động liên hệ để nhờ quảng cáo.

Đầu năm 2023, T. rơi vào cảnh thất nghiệp khi công ty giải thể. Sau hơn 2 tháng không tìm được công việc mới, T. quyết định chuyển hẳn sang làm travel blogger và chi hơn 50 triệu đồng để mua thêm flycam, ống kính xịn…

"Nhờ mình có xây dựng kênh cá nhân Facebook và được nhiều người biết đến là một "dân du lịch" nên mình nghĩ việc chuyển hẳn sang làm sáng tạo nội dung là không quá khó", T. nói.

T. không ngờ sau khi chính thức chuyển sang làm sáng tạo nội dung du lịch đã phải thấm câu "đời không như là mơ". "Da sạm đen vì nắng, sức khỏe có dấu hiệu xuống dốc vì mình phải đi rừng, xuống biển rồi leo núi, chạy xe máy liên tục ngoài đường. Có những đợt mình cắm trại ngoài trời nhiều ngày, đối mặt với mưa gió bão bùng", T. tâm sự.

T. dự tính cuối năm nay sẽ quay lại công việc trong lĩnh vực bất động sản hoặc làm truyền thông, vì đi liên tục như thế này sức khỏe không trụ nổi.

Thất nghiệp là… đi làm mạng xã hội ?: Đời không như là mơ   - Ảnh 2.

TikToker Spicy Kim cho rằng phải học hỏi mỗi ngày để thay đổi liên tục và để mọi người nhớ đến mình

NVCC

Đem sức khỏe đổi lấy… lượt xem

Không riêng gì T., hiện nay không ít bạn trẻ làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội phải đánh đổi sức khỏe của mình để thu hút người xem.

Điển hình như TikToker H.L, ở TP.HCM (sở hữu kênh TikTok hơn 3 triệu lượt theo dõi), được nhiều người biết đến với những clip mukbang (vừa ăn vừa quay), chia sẻ: "Việc liên tục ăn một lượng lớn đồ ăn để quay clip khiến cơ thể mình gặp một số vấn đề. Nhiều lúc mình bị đầy bụng, thậm chí nhìn đồ ăn là sợ hãi".

Dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Trung tâm giáo dục đặc biệt Diệp Quang (TP.HCM), cho rằng những người trẻ làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đều phải chịu không ít thì nhiều phản ứng tiêu cực từ người khác. "Nếu ai không có tâm lý vững vàng, đặc biệt là người mới tham gia, thì rất dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý. Người trẻ làm ở lĩnh vực này cần phải vững tâm lý, biết cách đương đầu, không ngại bị chê bai, phải lắng nghe và điều chỉnh theo những góp ý mang tính xây dựng để phát huy khả năng sáng tạo, giúp kênh của mình phát triển hơn", chuyên gia tâm lý này nói.

TikToker Spicy Kim (27 tuổi), ngụ TP.HCM, cũng nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ những clip mukbang, cho hay: "Để thu hút người xem, mình đã ăn nhiều món độc lạ, "khổng lồ", cay nhiều… làm ảnh hưởng đến bao tử. Có lần mình đau bụng dữ dội đến suýt ngất xỉu. Để bảo vệ sức khỏe, thậm chí là tính mạng, trong quá trình làm mukbang, mình phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ".

Sau hơn 2 tháng thất nghiệp, anh H.G.D (32 tuổi), ngụ Q.5, TP.HCM, cũng quyết định gom hết tiền dành dụm đi học quay phim, dựng phim, và mua sắm trang thiết bị để làm YouTuber chuyên về cá cảnh.

Để đạt lượt theo dõi cao, cũng như bật được chế độ kiếm tiền, anh D. phải không ngừng sáng tạo nội dung, quay và dựng video liên tục. "Không chỉ làm trước hàng chục video để đăng dần, mỗi ngày mở mắt ra mình còn phải tự hỏi "hôm nay thực hiện nội dung gì". Nhiều lúc mình kiệt sức vì áp lực phải liên tục tạo ra các video", anh D. nói.

Sau hơn một năm cật lực, đầu năm 2023, kênh YouTube của anh D. đạt hơn 50.000 lượt theo dõi. "Mỗi tháng mình chỉ kiếm được từ 7 - 10 triệu đồng từ YouTube, nguồn thu còn lại là nhờ người ta mời về quay quảng cáo", anh D. cho biết.

Không hề đơn giản

Trước đây, Spicy Kim làm nhiều nghề, không có công việc ổn định. Sau đó, Kim tìm đến mạng xã hội và sau 2 năm đã sở hữu kênh TikTok có hơn 3 triệu lượt theo dõi nhờ những nội dung mukbang với các món độc lạ, chế biến theo công thức siêu cay.

Kim cho hay làm TikToker thu nhập bấp bênh, tháng có tháng không, bởi không phải lúc nào các nhãn hàng cũng mời quảng cáo, vì còn tùy theo chiến lược của họ.

"Muốn kênh phát triển và clip nhiều lượt xem, mình phải chi tiền ra mua nguyên liệu, nhưng đâu phải clip nào mình cũng được tài trợ. Do đó, mình phải đi làm thêm bán hàng online để có kinh phí đầu tư nội dung", Kim nói.

Kim cho rằng có nhiều người suy nghĩ nếu thất nghiệp thì đi quay clip đăng lên mạng xã hội là trở thành người nổi tiếng và có tiền, tuy nhiên Kim chia sẻ: "Điều đó không hề đơn giản. Đến thời điểm hiện tại, mình có lượng theo dõi cao, nhiều người biết đến, nhưng ngày nào mình cũng phải đối mặt với áp lực khi các kênh mới về nội dung tương tự mọc lên như nấm. Mình phải học hỏi những cái hay của người khác, xem kênh mình còn thiếu gì để bổ sung. Học mỗi ngày để thay đổi liên tục, để mọi người nhớ đến mình, nếu không các thương hiệu sẽ không nhờ quảng cáo, đồng thời kênh bị đào thải khỏi TikTok". 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.