Khủng hoảng việc làm thanh niên (TN) toàn cầu đang diễn ra trên quy mô chưa từng có. Ở Việt Nam, TN độ tuổi từ 15 - 24 là nhóm đông nhất, chiếm 50,4% trong tổng số người thất nghiệp.
Khó khăn khi tìm việc
Tại diễn đàn Việc làm cho TN do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức ngày 29.3, ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết: “Mỗi năm, hơn 1 triệu TN gia nhập thị trường lao động Việt Nam. Rất nhiều người trong số đó phải vất vả mới tìm được và giữ được việc làm. Đặc biệt, nữ TN gặp khó khăn nhiều hơn so với nam. Năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp của nữ là 8,3%, so với 5,9% ở nam”.
|
Kinh nghiệm từ bản thân và qua bạn bè, ông Nguyễn Hoài Đức (Bộ LĐ-TB-XH) chia sẻ một nghịch lý tại Việt Nam, để tìm việc làm chủ doanh nghiệp (DN) luôn yêu cầu người lao động (NLĐ) phải có kinh nghiệm, trong khi sinh viên mới tốt nghiệp ra trường thường lại thiếu kinh nghiệm. Do vậy, họ phải “nhảy việc” làm tạm bợ những công việc trái ngành, trái nghề. Sau vài năm, dần dần khi tích lũy được kinh nghiệm họ mới tìm được công việc ổn định. Chỉ ra những khó khăn của TN trên con đường xin việc, bà Bùi Phương Chi - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ: “SV mới ra trường, rất khó đáp ứng hết các tiêu chí DN đề ra. Có DN vẫn còn phân biệt bất bình đẳng giới, chỉ ưu tiên tuyển dụng nam giới, thậm chí còn có sự phân biệt đối xử, gây mất công bằng giữa tấm bằng tốt nghiệp. Thông thường SV tốt nghiệp trường dân lập khó xin việc hơn những SV trường công lập”.
|
Nhiều chuyên gia cho rằng việc TN gặp khó khăn khi xin việc đôi khi không phải do nhà tuyển dụng quá khắt khe, mà vấn đề là từ phía TN. Ngay khi còn học phổ thông, vì thiếu định hướng nghề nghiệp nên khi chọn trường ĐH không phải theo sở thích mà là chọn trường dễ đậu nhất. Ông Trương Đình Khương - Giám đốc Trung tâm việc làm TN tỉnh Bắc Ninh, cho biết: “Có nhiều TN đi tìm việc thích lương cao, làm việc tại công ty lớn. Nhưng khi hỏi, các bạn lại rất mơ hồ chưa xác định mình sẽ làm gì, chưa hay biết gì về vị trí mình sẽ đảm nhận”.
Nhân rộng trung tâm hỗ trợ thanh niên
Theo ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, tạo cơ hội để tất cả mọi người, đặc biệt là TN độ tuổi từ 15 - 24 (theo định nghĩa quốc tế về TN) đều có được việc làm bền vững là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam. Bà Nguyễn Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TN Hà Nội, cho biết trung tâm của các tổ chức đoàn thể hoàn toàn không thu phí, rất thuận lợi cho TN. Nhưng thường các bạn không biết quý trọng và không mặn mà với các dịch vụ tư vấn công.
Còn bà Thái Thanh Nga - Văn phòng Chính phủ, thẳng thắn nói: Sở dĩ TN chưa biết nhiều hoặc ít quan tâm đến các trung tâm của các đoàn thể vì mức độ “phủ sóng” của các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, hướng nghiệp cho TN chưa rộng. Trong khi đó, rất nhiều trung tâm “ma” lừa đảo, lôi kéo được người lao động. Bà Nga cho rằng có những dịch vụ miễn phí lại không mang đến hiệu quả. Nên để các trung tâm được tự thu, tự chi, thả nổi theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh và giảm được các trung tâm lừa đảo.
Đồng tình với kiến nghị trên, bà Nguyễn Ngọc Trinh đề xuất bên cạnh tổ chức thường xuyên các sàn giao dịch việc làm cho TN, nhất là ở khu vực nông thôn, cần phải nhân rộng các trung tâm hỗ trợ SV tại các trường ĐH. Hiện chỉ một số trường ĐH quan tâm đến vấn đề này. Chính các trung tâm sẽ là nơi cung cấp thông tin cho SV về diễn biến mới nhất của thị trường lao động, cơ hội tìm việc làm, lương bổng được bao nhiêu… và các kỹ năng mềm khi gia nhập thị trường lao động. Qua đó, các bạn trẻ sẽ hình dung được công việc trong tương lai mình sẽ phải làm như: vị trí phải làm gì? Quyền lợi như thế nào? Trách nhiệm ra sao?...
Thu Hằng
Bình luận (0)