Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 4: Thanh xà, bạch xà

22/11/2013 09:00 GMT+7

Vùng Thất Sơn có loài rắn bí ẩn, cực độc mà dân gian gọi là rắn tre hay thanh xà, bạch xà, sống trong thân tre.

>> Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 3: Lão tướng 'độc nhãn' và bùa chú đua bò
>> Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 2: Dị nhân và ông bác vật
>> Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 1: Con vua Quang Trung ở Thất Sơn ?

Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 4: Thanh xà, bạch xà 1 
Trùn hổ là vị thuốc  - Ảnh: T.D

“Sát thủ” vô hình

Ông Lương Văn Hội (62 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐND thị trấn Nhà Bàng, H.Tịnh Biên, An Giang) kể hồi xưa vùng Thất Sơn tre rừng dày bịt nên có loài rắn lạ là rắn tre. Ông Hội kể cây tre nào có lỗ thủng nhỏ cỡ đầu chân nhang thì thường có rắn sống trong đó.

Rắn tre to hơn đầu đũa, dài khoảng 4 tấc hơn, có màu xanh hoặc trắng tùy theo chúng sống trong mắt tre mọc ở trên cao hay sâu dưới đất nên người dân gọi là thanh xà, bạch xà. Vì không biết rắn tre nên lúc xưa người dân đốn tre làm bộ vạt hay giường ngủ, không chú ý đến chúng. Ông Hội nhớ lại: “Thỉnh thoảng có người chết, thân thể tím tái như trúng độc, các thầy rắn đoán bị trúng nọc rắn độc nhưng kiểm tra không thấy dấu răng nên hồ nghi, không biết đó là rắn gì”.

Sau này, khi phá bộ giường nằm của người chết, người ta mới phát hiện có con rắn nhỏ chậm chạp bò quanh, bèn đập chết. Thấy rắn lạ, người dân đem xác cho các thầy rắn xem, từ đấy bí mật về “sát thủ” vô hình mới dần lộ diện. Các thầy rắn đoán, do rắn sống trong thân tre, ăn bọng tre, uống giọt sương nên cực độc. Ai vô phúc đốn tre làm giường, vô tình gối đầu nằm gần mắt tre có rắn ở thì chỉ hít phải hơi thở của chúng cũng thấm độc chết. Ông Hội kể tiếp:“Biết rõ sự việc nên sau này đốn tre làm giường, ai cũng xem kỹ trong thân tre có rắn hay không”.

 Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 4: Thanh xà, bạch xà 2
Bù rầy nay thành món ăn lạ miệng - Ảnh: T.D

Theo ông Hội, đây là loài rắn bí ẩn, không biết chúng do loài rắn nào sinh ra nên người dân đặt tên là rắn tre. Người già dự đoán, lúc rắn đẻ trứng, một số trứng bị lọt vào trong lỗ mắt tre, đến lúc nở ra, rắn con không chui lọt được do mắt tre quá nhỏ. Cũng có người suy luận, có thể lúc rắn đẻ trứng vùi dưới đất không lâu sau có bụi tre phá đất mọc lên và trứng hay rắn con bị lọt nằm kẹt trong bọng tre. Do chỉ sống trong tăm tối nên gặp ánh sáng rắn tre trở nên chậm chạp. Có khi trong bọng có cả một cặp rắn tre. Ban đầu lo sợ rắn độc, sau đó người dân phát hiện rắn tre ngâm rượu uống mát lạnh, sảng khoái nên tìm ống tre bắt rắn ngâm rượu.

Ông Huỳnh Thái Hùng, Phó chủ tịch HĐND thị trấn Nhà Bàng vẫn còn tiếc nuối hũ rượu rắn tre bị bể. Ông Hùng kể, hôm đó ngồi bổ mấy ống tre mục, không ngờ thấy con rắn tre nằm ngọ ngoạ­y. Mừng rỡ vì loài rắn này đang hiếm nên ông Hùng lật đật đeo khẩu trang, bịt kín mũi đề phòng hơi độc rồi đập rắn chết, đem ngâm rượu. Ông Hùng kể giữa trưa nắng, uống rượu rắn xong mát mẻ như nằm phòng máy lạnh nên bạn bè hay đến xin. Rồi hôm đó, lúc cao hứng cầm hũ rượu rót cho bạn, ông Hùng lỡ tay làm rớt bể, xác rắn vừa văng ra thì con chó nhà chạy đến ăn mất.

Ông Nguyễn Văn Lê (65 tuổi, ngụ thị trấn Ba Chúc, H.Tri Tôn, An Giang) kể Thất Sơn có nhiều rắn độc như hổ chuối, hổ hùm, hổ lông, hổ sơn, hổ bướm... Rắn hổ sơn sau khi cắn chết người thì vài ngày sau chúng trở lại ngay nơi đó, như để tìm lại nọc, nên bị đập chết, người ta gọi là rắn một mạng đổi một mạng. Rắn hổ lông nhìn như hổ đất nhưng ngay rốn có túm lông, thịt rất độc, ai không biết ăn thịt rắn xong là hết thuốc cứu. Rắn hổ bướm là rắn độc, nhìn giống con trăn, nếu gọi là trăn thì nó vô hại, còn gọi trúng tên hổ bướm, nó trở nên dữ tợn.

Những món ăn kỳ dị

Vùng Thất Sơn có nhiều đồi núi gò cao, là nơi bù kẹp (bọ cạp), rắn, rết, mối chúa sinh sống và nay chúng trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người. Mới đây, miệt Thất Sơn lại xảy ra chuyện lạ khi một số người thỉnh thoảng hay đi gom mua con cuốn chiếu núi. Anh Lê Văn Cường (ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, H.Tịnh Biên) nói 1 con cuốn chiếu bán được 500 đồng, nhưng anh không hiểu họ mua để làm gì. Anh Cường cho biết, do đặc thù đồi núi, nên cuốn chiếu núi to hơn đầu đũa, gồm cuốn chiếu màu đen và màu đỏ nhưng người ta chỉ mua cuốn chiếu đen. Còn cuốn chiếu đỏ rất độc, đi chân không vô tình đạp lên chúng thì lòng bàn chân ngứa ngáy và in hằn một vết đỏ, vài ngày sau mới phai.

Ông Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch Hội Đông y H.Tịnh Biên nói đây là chuyện lạ vì trong sách thuốc không đề cập nó là vị thuốc. Theo ông Chung, trước đây, một số người bị bù kẹp chích đau nhức quá bèn bắt cuốn chiếu núi giã nát đắp lên vết thương, rất hiệu nghiệm. Ông Chung ngẫm nghĩ, người bị bù kẹp chích không nhiều nên có khả năng họ mua cuốn chiếu làm chuyện khác.

Nhưng dưới cái nhìn của ông Hai Tấn (73 tuổi, ngụ xã An Hảo, H.Tịnh Biên) thì biết đâu họ mua về ăn hay làm thuốc. Ông Tấn dẫn chứng, trước đây, vùng núi có loài côn trùng là bù rầy, nhìn rất xấu xí, chẳng ai dám nghĩ đến chuyện ăn chúng nhưng nay, chúng thành món ăn lạ, ngon miệng, được khắp nơi biết đến. 

Nhắc đến chuyện côn trùng trị bệnh, ông Lương Văn Hội nói ngày xưa Thất Sơn muỗi còn nhiều hơn ở U Minh nên dân xứ núi hay bị sốt rét. Lúc đó thuốc men làm gì có như bây giờ nên người ta bắt trùn hổ uống làm thuốc. Ông Hội kể: “Chỉ vùng này mới nhiều trùn hổ. Để chế thuốc, người dân chặt ống trúc rồi bỏ một đống trùn vào, lấy miếng chanh tươi đậy lên miệng rồi đem ống trúc hơ lửa nóng thật lâu cho trùn bị nóng, chảy ra thành nước thì lấy nước đó ra uống, vậy mà giảm bệnh”.

Ông Bảy Phong, người sưu tầm các cây thuốc núi ngụ ở H.Tịnh Biên giải thích, trùn hổ còn gọi là địa long, từng được dùng trị bệnh viêm tai giữa. Ông Phong còn xác nhận, ăn cháo trùn hổ xong thấy khỏe, bớt căng thẳng. Ngư dân mua trùn giăng câu vì cá tôm mê mồi trùn, còn người nuôi gà độ hay chim thì mua trùn cho chim, gà ăn để chúng lên màu lông đẹp và đá dữ hơn.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.