Thất thu thuế 'khủng' từ YouTube

06/04/2019 07:27 GMT+7

Người Việt tham gia kiếm tiền trên các kênh YouTube ngày càng tăng, số tiền kiếm được dự báo hàng tỉ đồng mỗi năm nhưng không phải đóng thuế.

Bỏ túi tiền tỉ...

[VIDEO] Khá Bảnh mất bao nhiêu tiền khi kênh YouTube "khủng" biến mất?
Trước khi bị xóa kênh YouTube vào ngày 3.4, trang riêng của Ngô Bá Khá (tức Khá “bảnh”, ở Bắc Ninh) được ước tính mang lại cho cá nhân này một nguồn thu khá lớn. Theo thống kê của Socialblade (trang chuyên thống kê xếp hạng các tài khoản trên mạng xã hội gồm YouTube, Twitter, Instagram...), kênh của Khá “bảnh” có hơn 2 triệu người theo dõi, hơn 400 video được đăng tải cùng gần 400 triệu lượt xem. Được xếp vào nhóm A- (mức gần như cao nhất) nên số tiền mà Socialblade ước tính YouTube trả cho Khá rất “khủng”, từ 15.300 - 244.700 USD mỗi tháng (tương đương 352 triệu - 5,6 tỉ đồng).
Cơ quan thuế vẫn đang thất thu thuế đối với những cá nhân có thu nhập tiền tỉ từ kênh YouTube Ảnh: độc Lập, chụp màn hình - Đồ họa: Hồng Sơn
Cơ quan thuế vẫn đang thất thu thuế đối với những cá nhân có thu nhập tiền tỉ từ kênh YouTube Ảnh: độc Lập, chụp màn hình - Đồ họa: Hồng Sơn
Trong trường hợp duy trì liên tục được lượng người xem như vậy, Khá “bảnh” sẽ có thể kiếm từ 183.500 USD - 2,9 triệu USD mỗi năm (tức 4,2 - 66,7 tỉ đồng). Khi bị bắt, Khá khai bắt đầu làm video để đăng trên YouTube từ năm 2017, thời gian đầu được trả 7.000 - 8.000 USD/tháng, sau đó có tháng lên đến gần 20.000 USD.
[VIDEO] Khá Bảnh là ai, tại sao anh ta nói toàn chuyện "đạo lý" mà vẫn bị bắt?
Khá “bảnh” không phải trường hợp duy nhất kiếm được tiền tỉ thông qua YouTube. Ngày 5.4, chúng tôi thử tìm kiếm trên trang Socialblade về “Top 250 YouTubers in Vietnam”, ngoài những thương hiệu, công ty còn có nhiều cá nhân đều có lượt người theo dõi và lượng xem các video rất cao.
Ví dụ kênh giải trí “Thơ Nguyễn” có đến gần 6 triệu người theo dõi và tổng lượt xem lên hơn 3,3 triệu. Kênh này được xếp hạng A và ước tính có thể kiếm được mỗi tháng từ 27.500 - 439.500 USD và lên mức 329.600 - 5,3 triệu USD mỗi năm (khoảng hơn 7,5 - 122 tỉ đồng mỗi năm). Hay kênh dành cho thiếu nhi “Bom Bom Songs” cũng có hơn 1,76 triệu người theo dõi được xếp hạng A dù chỉ mới ra đời từ tháng 11.2018, và ước tính số tiền thu được từ 50.300 - 804.900 USD/tháng, từ 603.700 - 9,7 triệu USD/năm (khoảng 13,8 - 223 tỉ đồng mỗi năm).
Ngoài ra, kênh KhangProFilm của ca sĩ Lâm Chấn Khang (mệnh danh là "ông vua miền Tây") có hơn 2,4 triệu người theo dõi và hiện tại đã có 903,5 triệu lượt xem. Socialblade ước tính Lâm Chấn Khang sẽ được YouTube chi trả từ 5.000 - 78.400 USD/tháng, tương đương 59.800 - 956.600 USD/năm. Như vậy mỗi năm ca sĩ này sẽ bỏ túi từ YouTube ước tính 1,37 - 22 tỉ đồng.
Trong khi đó, Sơn Tùng M-TP vẫn dẫn đầu trong giới nghệ sĩ với hơn 3,6 triệu người theo dõi, hơn 983,6 triệu lượt xem. Nhưng Socialblade lại ước tính doanh thu của Sơn Tùng thấp hơn Lâm Chấn Khang, chỉ từ 2.400 - 37.900 USD/tháng, tương ứng 28.500 - 455.300 USD/năm (khoảng 655 triệu - 10,4 tỉ đồng mỗi năm)...

Không đóng đồng thuế nào

Kiếm tiền qua kênh YouTube đang ngày càng thu hút nhiều người Việt tham gia. Theo thống kê của Socialblade cuối năm 2018, VN đã có hơn 70 kênh được YouTube trao nút vàng (dành cho kênh đạt 1 triệu người theo dõi) cùng hàng trăm nút bạc (kênh đạt 100.000 người theo dõi trở lên). Trong đó chiếm phần lớn là các kênh hài của giới trẻ, kênh chính thức của các công ty giải trí, các Vlogger...
Tuy nhiên, theo danh sách 250 kênh YouTube dẫn đầu trên Socialblade hôm qua 5.4, đã có 178 kênh hơn 1 triệu người theo dõi trở lên. Như vậy con số này đã tăng nhanh chóng chỉ sau 3 tháng đầu năm. Nếu so với một năm trước thì số lượng các video của người Việt đưa lên YouTube đã tăng gấp 3,4 lần. Với mức chi trả khoảng 0,3 - 0,5 USD cho chủ sở hữu các video, chương trình khi có 1.000 lượt người xem quảng cáo, YouTube đang được xem là mảnh đất kiếm tiền cho nhiều người tại VN.
Đối với nhiều cá nhân có thu nhập khủng trên YouTube, từ trước đến nay hầu như cơ quan quản lý thuế chưa có đầy đủ số liệu hoặc chỉ thu được một vài trường hợp.
Trước đó đầu năm 2018, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỉ đồng với một thanh niên có thu nhập 41 tỉ đồng trên mạng Facebook, Google, YouTube...
Đây là lần đầu tiên một cá nhân nhận thu nhập từ mạng nước ngoài bị truy thu thuế với số tiền lớn như vậy. Người này viết chương trình trò chơi điện tử được tải nhiều trên Facebook, Google, YouTube... Các chương trình này đều được chạy quảng cáo nên người sở hữu được chi trả 41 tỉ đồng trong hai năm 2016 và 2017 nhưng không kê khai và nộp thuế.
Trên thực tế, câu chuyện kê khai và thu thuế của các cá nhân có thu nhập từ các mạng xã hội tại VN thật ra đã được nhắc đến từ năm 2014. Khi đó phía VN hoàn toàn bất ngờ khi trang tin The Richest đưa Nguyễn Hà Đông (tác giả trò chơi Flappy Bird) vào danh sách 10 triệu phú internet làm giàu từ con số 0 với mức thu nhập hàng chục tỉ đồng.

Cơ quan thuế bất lực?

Không chỉ bỏ sót các khoản thu nhập khủng từ nhiều cá nhân, VN cũng chỉ thu được số thuế ít ỏi từ Google (chủ sở hữu YouTube) và Facebook trong khi 2 đơn vị này thu về hàng trăm triệu USD tại VN mỗi năm. Số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018 mức chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại VN ước đạt 550 triệu USD/năm. Trong đó Google và Facebook chiếm đến 66,7% thị phần với doanh thu hơn 387 triệu USD, tương đương gần 9.000 tỉ đồng.
Thừa nhận việc thu thuế đối với những cá nhân kiếm tiền qua kênh YouTube hiện nay rất khó nhưng ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, khẳng định vẫn có thể thực hiện được. Thời gian qua cơ quan thuế đã phát hiện một số trường hợp, chẳng hạn một cá nhân sống tại Quảng Nam nhận 727.000 USD từ Google (gần 17 tỉ đồng) từ năm 2014 - 2017. Cục Thuế TP.HCM đã chuyển cho Cục Thuế tỉnh Quảng Nam trường hợp này để truy thu thuế. Nhưng ông Tâm thừa nhận, cách thực hiện này chưa được hiệu quả.
Vì chỉ khi cơ quan thuế phát hiện mới yêu cầu phía ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng, từ đó cục thuế mới làm việc với cá nhân để truy thu thuế. Đối với giới văn nghệ sĩ, họ có tên thật và nghệ danh khác nhau nên việc nhận diện cũng không phải dễ. Hay nhiều trường hợp ca sĩ, nghệ sĩ thông qua công ty quản lý thực hiện các hoạt động đăng tải video lên YouTube thì cục thuế phải làm việc với phía công ty...
Khá “bảnh” thu nhập khủng, Bộ Tài chính không có thông tin gì
Trả lời câu hỏi của báo chí về trường hợp đóng thuế đối với các khoản thu từ YouTube của Ngô Bá Khá (tức Khá “bảnh”), tại buổi họp báo thường kỳ quý 1 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 5.4, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết theo quy định của luật Thuế thu nhập cá nhân thì mọi cá nhân có thu nhập đều phải kê khai và những tổ chức chi trả thu nhập cho cá nhân đều phải có khấu trừ.
Đối với trường hợp Ngô Bá Khá, hồ sơ của cơ quan thuế chưa có bất kỳ kê khai về thông tin cá nhân. Cũng theo ông Minh, đối với các thu nhập của Khá “bảnh” là các khoản thu nhập thông qua quảng cáo. Về phía các đơn vị trả tiền cho Khá "bảnh", nếu là đơn vị trong nước thì phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế trước khi chi trả cho Khá "bảnh".
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng, đặt ra các yêu cầu mới đối với luật thuế với những luồng tiền này. “Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan công an, nếu ông Khá có hành vi trốn thuế sẽ bị xử lý theo pháp luật", lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết.
Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.