Nghĩa tình tháng bảy

16/07/2024 06:35 GMT+7

Tháng bảy - tháng cao điểm của thanh niên cả nước triển khai nhiều công trình, phần việc nhằm đền ơn đáp nghĩa, giúp các gia đình chính sách, người có công vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Thấu hiểu hơn những hy sinh của thế hệ trước

Một sáng tháng 7, căn nhà của thương binh A Danh (xã Đăk Ui, H.Đăk Hà, Kon Tum) rộn ràng hơn thường lệ. Mặt trời vừa hé, thanh niên và học sinh đã tập trung chật ních trước sân nhà cụ Danh. Đây là buổi dọn dẹp vệ sinh được Xã đoàn Đăk Ui thực hiện mỗi tháng 1 lần.

Người thương binh già không cảm thấy hiu quạnh

Năm nay 81 tuổi, đôi tai không còn nghe rõ, đôi mắt đã mờ nên cụ Danh không tự chăm lo được cho bản thân. Mỗi khi trái gió trở trời, đôi mắt cụ đau nhức, sưng tấy, nước mắt cứ rỉ ra nhòe nhoẹt. Đó là di chứng sau một lần cụ bị trúng mảnh pháo của địch.

Nghĩa tình tháng bảy- Ảnh 1.

Cụ Danh kể cho những người trẻ nghe về tháng ngày trận mạc

ảnh: ĐỨC NHẬT

Cụ Danh sinh ra ở H.Ba Tơ (Quảng Ngãi). Năm 1965, theo tiếng gọi non sông, cụ xung phong lên đường nhập ngũ và được điều về Tỉnh đội Quảng Ngãi. Mùa thu năm 1972, cụ cùng đơn vị tấn công quận lỵ Ba Tơ. Khi di chuyển dưới giao thông hào, một quả đạn pháo từ phía địch bay tới rồi nổ cách vị trí cụ không xa. Cụ Danh bị các mảnh đạn văng vào mặt. Trận đánh kết thúc, Ba Tơ được giải phóng, cụ Danh được chuyển về tuyến sau chữa trị.

Ngày tàn lửa khói, cụ Danh cùng đồng đội lên xã Đăk Ui lập nghiệp. Tại đây, cụ kết duyên cùng một phụ nữ địa phương. Số phận như trêu đùa, cưới nhau đã lâu nhưng vợ chồng chẳng có con. Thời gian sau, trong xã có 2 trẻ mồ côi cha mẹ, vợ chồng cụ Danh liền nhận nuôi.

Nghĩa tình tháng bảy- Ảnh 2.

Thanh niên H.Đăk Hà thăm và tặng quà thương binh A Danh

Vợ mất cách đây 5 năm, cụ Danh được người con nuôi là A Khi (43 tuổi) chăm sóc. Cuộc sống bộn bề, lại không mấy khá giả nên vợ chồng ông Khi tối ngày ở trên rẫy, vài ba tuần mới về thăm cha. Người con nuôi khác của cụ Danh đi xuất khẩu lao động, lâu lắm chưa thấy trở về.

Hằng tháng, Huyện đoàn Đăk Hà huy động đoàn viên, thanh niên hỗ trợ cụ Danh dọn dẹp nhà cửa. Xong việc, các bạn trẻ nán lại trò chuyện với người thương binh già để cụ không cảm thấy cô đơn, hiu quạnh. Ngoài việc chăm sóc, Huyện đoàn Đăk Hà còn kêu gọi, vận động các cá nhân, tổ chức hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp cụ Danh.

Anh A Sun, đoàn viên xã Đăk Ui, cho biết bản thân rất hào hứng khi tham gia thăm nom, chăm sóc cho gia đình các thương binh. Qua những câu chuyện thời chiến do các thương binh kể lại, anh Sun và bạn bè thêm thấu hiểu những mất mát, hy sinh của thế hệ đi trước.

"Chúng tôi rất biết ơn cha ông đã hy sinh sức khỏe, tính mạng để đất nước thống nhất, độc lập. Lớp trẻ chúng tôi sẽ làm hết sức để giúp các gia đình chính sách, người có công và thương, bệnh binh", anh A Sun chia sẻ.

Mẹ được an ủi phần nào

Mấy ngày mưa không dứt, trời trở lạnh đột ngột khiến Mẹ VN anh hùng Y Tría (xã Đăk Hà, H.Tu Mơ Rông) ngã bệnh. Khi nghe có đoàn viên, thanh niên đến thăm, mẹ Tría vẫn ra tận cửa đón. Mấy chục năm qua, nỗi đau mất chồng, mất con đã in hằn, xếp lớp trên khóe mắt mẹ Tría. Ở tuổi 94, dáng mẹ đã còng lắm, mái tóc bạc trắng và bước đi chậm chạp. Kéo các bạn trẻ ngồi xuống bàn, giọng mẹ khàn đặc: "Cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ mẹ trong thời gian qua. Được các cháu đoàn viên, thanh niên và chính quyền địa phương quan tâm, chăm sóc, mẹ cũng được an ủi phần nào".

Nghĩa tình tháng bảy- Ảnh 3.

Mẹ Việt Nam anh hùng Y Tría

ảnh: ĐỨC NHẬT

Mẹ Tría sinh ở làng Mô Pả (xã Đăk Hà), vùng đất này là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khi còn nhỏ, mẹ đã chứng kiến cảnh quân thù giày xéo quê hương nên sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 29 tuổi, mẹ Tría tham gia hoạt động cách mạng rồi cùng dân làng lao động, sản xuất để tạo ra nguồn lương thực phục vụ kháng chiến.

Trong quá trình tham gia lao động, chiến đấu, mẹ Y Tría kết duyên cùng người cách mạng trung kiên A Blanh. Kết quả của mối tình là 5 người con lần lượt ra đời. Cũng trong thời gian này, mẹ Tría nhận nuôi thêm A Hùng, mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới tròn 5 tuổi.

Năm 1966, vừa tròn 18 tuổi, A Hùng lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 304 (Tỉnh đội Kon Tum). Ngày 30.1.1968, anh cùng đơn vị đánh vào TX.Kon Tum và hy sinh. Trận đánh quá ác liệt khiến đồng đội không thể quay lại đón anh về. Nén nỗi đau, mẹ Tría lấy vài món kỷ vật của A Hùng đem chôn thành mộ gió ở cuối làng.

Năm 1969, ông A Blanh thoát ly và làm công tác mặt trận của huyện H80 (nay là H.Tu Mơ Rông). Ông tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến cứu nước. Ngày 30.12.1969, khi ông đang họp trong trụ sở Huyện ủy H80 thì bị địch đánh bất ngờ và hy sinh.

Để ghi nhận những mất mát đó, Hội đồng Nhà nước đã truy tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng ba và Huân chương Kháng chiến hạng nhất đối với liệt sĩ A Hùng. Năm 1987, Hội đồng Nhà nước cũng đã truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho ông A Blanh.

Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, Phó bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, hằng năm Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Qua đó, Tỉnh đoàn Kon Tum cử cán bộ, đoàn viên, thanh niên đến thăm, tặng quà Mẹ VN anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, động viên thân nhân của người có công…

Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức các hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, gia đình tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tỉnh đoàn Kon Tum cũng khảo sát, vận động hỗ trợ, đóng góp ngày công lao động xây mới và sửa chữa nhà tình nghĩa, các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt cho gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng...

"Các hoạt động này nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra cũng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", anh Mạnh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.