“Tôi hỏi thì người dân nói, họ ở đây đã 40 năm, nhưng cán bộ đòi giấy tờ mới đền bù. Người ta ở 40 năm thì còn cần giấy tờ gì, phải giải quyết ngay cho họ chứ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kể câu chuyện thực tế khi ông trực tiếp giải quyết khiếu nại của dân về giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng quốc lộ 1, tại một hội nghị trực tuyến về khiếu nại tố cáo hồi cuối năm 2016.
Ông kết luận rằng: Nếu giải quyết có tình, có lý cho dân, không tham ô tham nhũng thì dân không khiếu nại.
Nhưng câu chuyện của Thủ tướng còn có một ý nghĩa khác nữa, đó là nếu người giải quyết khiếu nại không trực tiếp lắng nghe, đối thoại với dân (mà chỉ dựa trên đọc hồ sơ, nghe cấp dưới báo cáo) thì không bao giờ thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân; và sẽ đẩy bức xúc của dân đi ngày càng xa hơn.
“Điểm nóng” thôn Hoành (xã Đồng Tâm, H.Mỹ Đức, Hà Nội) những ngày qua là một ví dụ. Người dân ở đây đã có quá trình khiếu nại kéo dài nhiều năm. Riêng năm 2015, dân khiếu nại vượt cấp lên Thanh tra Chính phủ 3 lần (nội dung liên quan đến đất quốc phòng, việc xây dựng lò gạch trên đất lúa và tố cáo cán bộ xã chiếm đất trường học). Năm 2016, khiếu nại 1 lần về đất quốc phòng. Các khiếu nại, sau đó đều được chuyển lại Hà Nội theo thẩm quyền. Nhưng chưa từng có cuộc đối thoại hiệu quả nào cho đến khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP.Hà Nội, xuất hiện ngày 22.4, trong một hoàn cảnh chả vui vẻ gì như đã biết.
Giá như (có rất nhiều chữ “giá như”), những cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở ở cấp đủ thẩm quyền diễn ra sớm hơn, hiệu quả hơn, đã không đẩy những người nông dân chất phác, cần cù trên mảnh đất của mình thành những người quá khích, vi phạm pháp luật, cũng không đẩy chính quyền vào thế khó.
Tổ chức đối thoại là một hoạt động bắt buộc trong thủ tục giải quyết khiếu nại theo pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Nhưng trong thực tế, đa phần người đứng đầu ngại đối thoại với dân, thậm chí là né tránh gặp dân khiến nhiều vụ việc trở nên phức tạp. Chẳng hạn, thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai các vụ khiếu kiện chủ yếu là của Chủ tịch UBND cấp tỉnh (ví dụ đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khoảng từ 500 - 600 vụ việc/năm - theo Báo cáo Thanh tra Chính phủ năm 2014), nhưng đòi các vị quan đầu tỉnh trực tiếp tiếp dân, có vẻ còn khó hơn hái sao trên trời. Lịch công tác của các vị hầu như không bao giờ có nội dung “tiếp dân”, kể cả đối với những vụ bức xúc kéo dài tại địa phương.
Ký các kết luận giải quyết khiếu nại mà chỉ căn cứ báo cáo cấp dưới, thậm chí căn cứ hồ sơ vô tri (chưa nói đến chuyện báo cáo láo), mà bỏ qua tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân chỉ khiến sự việc trở nên bức xúc.
Bình luận (0)