'Thâu tóm đất vàng' ở Bình Dương: Hàng loạt câu hỏi nóng bỏng chưa có lời đáp

08/11/2019 14:22 GMT+7

Sáng 8.11, tại cuộc họp thông tin báo chí về vụ chuyển nhượng 43 ha “đất vàng” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức, có hàng loạt câu hỏi đặt ra, riêng PV Thanh Niên đã nêu 8 câu hỏi, nhưng chưa có câu trả lời.

Liên quan đến việc chuyển nhượng "sang tay" 43 ha "đất vàng" khu đô thị thương mại - dịch vụ Tân Phú nằm trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương tại thành phố mới Bình Dương (P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), ông Bùi Hữu Toàn, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương chỉ nêu ngắn gọn nội dung: "Do nội dung, phạm vi vi phạm vượt quá thẩm quyền của Đoàn thanh tra, nên Đoàn thanh tra đã có báo cáo, kiến nghị; và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Sau đó, ông Bùi Hữu Toàn chuyển qua thông tin vụ ông Nguyễn Hồng Khanh (cựu Bí thư thị xã Bến Cát, hiện đang bị TAND tỉnh Bình Dương xét xử về hành vi vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí) tố cáo một số vấn đề liên quan đến cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Đáng chú ý, mặc dù trước đó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương có thư mời một số cơ quan báo chí ghi rõ mời đến dự “Thông tin liên quan đến dự án khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú, P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một” (vụ chuyển nhượng 43 ha - PV); nhưng tại cuộc họp, thông tin về việc vợ ông Khanh tố cáo cán bộ tỉnh Bình Dương, chiếm hầu hết thời lượng thông tin.

Một phần lô đất trong khu 43 ha "đất vàng"

Ảnh: Đỗ Trường

Tại cuộc họp, hầu hết phóng viên các báo đặt câu hỏi vì sao Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corporation, viết tắt là Tổng công ty Bình Dương) chuyển nhượng 145 ha đất cho các đối tác; trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư - phát triển Tân Thành và Công ty TNHH Phát Triển do con gái ông Nguyễn Văn Minh (Ông Minh hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bình Dương; trước khi cổ phần hóa, ông Minh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty này), làm giám đốc (bà Nguyễn Thục Anh - PV), Công ty cổ phần Hưng Vượng do ông Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch HĐQT; việc chuyển nhượng này tương tự như vụ chuyển nhượng 43 ha, nhưng Tỉnh ủy Bình Dương chỉ thông tin về vụ chuyển nhượng 43 ha một cách vô cùng ngắn gọn.

Đây cũng là nội dung mà PV Thanh Niên đặt ra từ phần đầu đặt câu hỏi của cuộc họp.

Một phần lô đất trong khu 143 ha

Ảnh: Đỗ Trường

Những câu hỏi chưa có lời đáp

Liên quan đến vấn đề này, PV Thanh Niên đã đặt ra một số câu hỏi, như sau:

1. Vụ chuyển nhượng 145 ha có phần tương tự như vụ chuyển nhượng 43 ha cho Công ty Tân Phú, nhưng vì sao chỉ có thông tin vụ 43 ha. Phải chăng có lợi ích nhóm rất lớn trong phi vụ này hay sự làm ngơ, chống lưng, bao che cho sai phạm của Tổng công ty Bình Dương?

2. Việc Tổng công ty Bình Dương góp vốn bằng đất, rồi sau đó thoái vốn và chuyển nhượng vốn góp trong đó có 145 ha và 43 ha “đất vàng” (trong tổng tổng 188 ha nằm trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương tại thành phố mới Bình Dương) được thực hiện từ năm 2007 đến cuối năm 2017 (là năm cuối Tổng công ty Bình Dương thực hiện cổ phần hóa) cho các đối tác tư nhân, gia đình; trong 10 năm đó Tỉnh ủy Bình Dương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương thể hiện vai trò chỉ đạo, giám sát, quản lý như thế nào, mà không phát hiện xử lý kịp thời, chỉ đến khi báo chí phanh phui sự việc mới lên tiếng và chỉ thông tin có vụ chuyển nhượng 43 ha?

3. PV Thanh Niên đề nghị Tỉnh ủy Bình Dương giải thích vụ chuyển nhượng 43 ha đất, nếu có dấu hiệu sai phạm như đã nêu, nhưng vì sao vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập Công ty Tân Phú, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, Sở Xây dựng Bình Dương cấp phép xây dựng?…

4. Nếu việc phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương… của UBND tỉnh Bình Dương và các sở ngành liên quan cho một dự án có dấu hiệu sai phạm, thì trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Ai là người chịu trách nhiệm?

5. Có hay không việc Tổng công ty Bình Dương sau khi chuyển nhượng "sang tay" 145 ha đất cho Công ty Tân Thành, còn “rót” thêm gần 1.000 tỉ đồng để Công ty Tân Thành xây dựng sân golf Thái Hòa?

6. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngoài 188 ha đất nêu trên, Tổng công ty Bình Dương còn có khoảng trên 30 ha đất, với một phần chuyển nhượng hoặc giao cho Công ty Gỗ Phát Triển (đường Bùi Văn Bình, P.Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) sử dụng làm công ty chế biến gỗ; một phần đất giao cho Công ty cổ phần An Bình làm bãi tập kết container; một phần đất trống làm bãi tập xe ô tô tự phát và một góc nhỏ (là đất sình lầy) mới được giao cho TP.Thủ Dầu Một xây dựng Trường Tiểu học Phú Lợi 2. PV đề nghị Tỉnh ủy Bình Dương và Tổng công ty Bình Dương (không có mặt tại cuộc họp) thông tin, giải thích rõ về vấn đề này?

7. Vì sao Trường Tiểu học Phú Lợi 2 được xin đất từ thời ông Lê Thanh Cung làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương để xây dựng đến nay đã trải qua 3 thời kỳ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, mới cho khởi công xây dựng? Thực tế khi báo chí phanh phui vụ thâu tóm đất vàng của Tổng công ty Bình Dương mới cho khởi công xây dựng trường học này? PV Thanh Niên đề nghị giải thích rõ.

8. Việc Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng vốn góp hay thực tế là 188 ha "đất vàng" nói trên và diện tích đất cho Công ty Gỗ Phát Triển, Công ty An Bình là biểu hiện lợi ích nhóm của riêng gia đình ông Nguyễn Văn Minh, và phía sau đó là những quan chức nào?

Ngoài ra, phóng viên các báo cũng nêu câu hỏi vì sao năm 2010 và 2017 Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng phần vốn góp cụ thể là 188 ha đất, nhưng không thông qua đấu giá và áp dụng đơn giá đất từ năm 2004 và 2007, mà không áp dụng giá đất năm 2010 và 2017 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành?

Tất cả những câu hỏi nêu trên, ông Lê Hữu Phước, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương xin ghi nhận để thông tin lại sau.

Chiều cùng ngày 8.11, cán bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cũng liên hệ PV Thanh Niên để xin bản 8 câu hỏi qua email.

145 ha “đất vàng” này nhà nước giao Tổng công ty Bình Dương có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đến 2056, nên bản chất là tài sản doanh nghiệp nhà nước. Khi góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất tại Công ty Tân Thành lần 1 vào năm 2007 và lần 2 vào năm 2017, Tổng công ty Bình Dương vẫn tự ấn định xuyên suốt chỉ với giá 6 USD/m2, quy đổi tỷ giá 1 USD chỉ 16.000 VNĐ (96.000 đồng/m2).
Trong khi vào năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành bảng giá đất thì tại khu vực này có giá từ 2,45 - 19,66 triệu đồng/m2.
Còn theo khảo sát của PV Thanh Niên vào thời điểm giữa tháng 10.2019, giá đất khu vực này đã lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2.
Sau phi vụ này, giá trị Công ty Tân Thành với quyền chi phối thuộc về tư nhân, từ khoảng 650 tỉ đồng tăng vọt lên đến hơn 5.744 (tăng vọt thêm khoảng 5.094 tỉ đồng).
Hai cổ đông tư nhân chiếm đến 70% vốn Tân Thành là Công ty CP Hưng Vượng do ông Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch HĐQT, chiếm 38% và Công ty TNHH Phát Triển do bà Nguyễn Thục Anh làm Chủ tịch HĐTV, chiếm 32%.
Ông Nguyễn Văn Minh cũng chính là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương và bà Nguyễn Thục Anh là con gái ông Minh.
Nhật Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.