Đổi mới cách đánh giá bằng nhận xét ở tiểu học theo Thông tư 30 khiến giáo viên vất vả hơn nhưng điều này lại giúp tiếp cận với các phương thức đánh giá tiên tiến mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng: đánh giá phát triển, thực tiễn và sáng tạo.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đổi mới công tác quản lý, giảm nhẹ hồ sơ sổ sách, sự vụ hành chính để giảm tải cho giáo viên tiểu học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Người học là trung tâm
Chuyển từ đánh giá bằng nhận xét thay cho điểm là thay đổi về quan điểm, triết lý, phương pháp và hoạt động cụ thể của kiểm tra, đánh giá. Thể hiện quan điểm mới: coi người học và quá trình học tập là trung tâm của toàn bộ hoạt động giáo dục.
Tìm hiểu cách đánh giá, nhận xét của giáo viên (GV) tiểu học cho thấy, GV đã vận dụng nhiều phương pháp và cách thức đánh giá khác nhau: quan sát, trao đổi với phụ huynh và giáo viên khác, học sinh (HS) tự đánh giá, kiểm tra bài, chấm bài vở, theo dõi các hoạt động hằng ngày của HS, nhất là hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Mục tiêu của đánh giá đã xác định rất rõ là giúp GV điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học; giúp HS có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giúp cha mẹ HS tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện của con em mình; giúp cán bộ quản lý các cấp kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục.
Như vậy, mục tiêu đánh giá đã được thay đổi rất nhiều, coi trọng sự hợp tác, coi trọng quá trình học tập để đạt kết quả chứ không tập trung vào việc HS đạt thành tích như thế nào.
Cần giải pháp đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Sơn (ở H.Đức Phổ, Quảng Ngãi), một GV tiểu học lâu năm, cho biết việc đánh giá này có nhiều ưu điểm như: không tạo áp lực cho HS và phụ huynh; không có so sánh giữa em này với em khác, HS có nhiều điều kiện để tham gia hoạt động, vui chơi, trải nghiệm. Tuy nhiên, cả GV và HS đều chưa quen nên có phần lúng túng ở học kỳ 1.
Khảo sát của Báo Thanh Niên cho thấy, có 42% phụ huynh cho biết cho con đi học thêm. Tỷ lệ này giảm mạnh so với khảo sát trước khi chuyển sang cách đánh giá mới, 75% phụ huynh cho con học thêm bậc tiểu học. Đây là một trong những hiệu quả thấy rõ khi đánh giá HS theo cách mới.
Tuy nhiên, khi thay đổi, công việc của GV được cho là vất vả, nặng nề hơn và đây cũng là lý do khiến GV chưa đồng tình với sự thay đổi này.
Như vậy, để phát huy hiệu quả việc đánh giá HS bằng nhận xét, cần có các giải pháp đồng bộ từ ngành giáo dục, các cấp quản lý, GV, HS, phụ huynh và toàn xã hội. Trước hết, cần thông tin, tuyên truyền những đổi mới trong cách đánh giá đến phụ huynh và xã hội; cần có tập huấn, và nhất là biên soạn tài liệu dạng cẩm nang để GV tự học và nâng cao năng lực đánh giá bằng nhận xét; bồi dưỡng GV và nhất là giảng viên dạy sinh viên sư phạm tiểu học về đổi mới giáo dục và đổi mới kiểm tra, đánh giá HS.
Ý kiến:
Cần lắng nghe, chia sẻ khó khăn của GV
Các nhà quản lý giáo dục ở không ít địa phương còn máy móc, bắt buộc GV ghi nhận xét quá nhiều, làm ngơ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT mặc dù Bộ đã có những gợi ý theo hướng giảm nhẹ công việc cho GV. Ngoài ra, nhiều GV chưa biết nhận xét HS như thế nào theo đúng tinh thần Thông tư 30, nhiều GV chưa tâm huyết với nghề, chưa phải vì HS mà chủ yếu thực hiện theo tư tưởng đối phó. Bộ, sở, phòng GD-ĐT cần có cổng thông tin trực tuyến với GV (công khai điện thoại...) với mục đích không chỉ giúp đỡ mà còn lắng nghe GV, chia sẻ những trăn trở, nỗi lòng của họ.
Nguyễn Hữu Hợp
(Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) Phải có nhiều yếu tố đi kèm
Đây là một định hướng đổi mới rất tốt nhưng đòi hỏi phải có nhiều yếu tố mới thành công: GV phải có nghiệp vụ, chịu khó. Cha mẹ phải quan tâm có sự gắn kết với nhà trường, thầy cô để giúp con em mình tiến bộ. Lớp học với số lượng HS phải đạt chuẩn. Được như vậy mới có sự chuyển biến thực sự.
Với hệ thống sổ sách quá nhiều, GV cảm thấy nặng nề bởi sự ghi chép hoặc những lời nhận xét HS na ná nhau. Việc khen thưởng không đưa ra danh hiệu cụ thể sẽ dễ tạo ra tình huống “cá mè một lứa”, khó khuyến khích động viên HS tiến bộ.
Một giáo viên
(Trường tiểu học Quang Trung, Hà Nội) Tuệ Nguyễn (ghi)
|
Hậu quả khi học sinh vào lớp 6 !
Rất bất cập là nhận xét của hầu hết GV có kinh nghiệm tại TP.HCM về cách thức ra đề đánh giá định kỳ cuối năm học ở bậc tiểu học mà Thông tư 30 quy định. Đề đánh giá HS lớp 5 cuối năm học do trường tiểu học tự ra. Một GV cho rằng: “Lên lớp, thi lại đều trong tay mình, tự mình làm khổ mình chi vậy?”. Cũng vì “quyền” này mà có phụ huynh của một trường tiểu học nổi tiếng của TP.HCM lo lắng khi con mình không tham gia lớp học thêm thì GV “đánh tiếng”: “Sắp tới cô ra đề, cô chấm thi luôn đấy”. Vì vậy, một hiệu trưởng dự đoán: “Sang năm tình trạng này sẽ còn nở rộ”.
Sự xuề xòa với nhau trong coi và chấm bài là yếu tố quan trọng dẫn đến kết quả học tập của HS không xác thực. Một GV tại Q.4 cho hay năm nay không có mấy trường hợp HS phải thi lại. GV này cho biết: “Đã là mình ra đề thì quá chủ động. Ngay HS yếu nhưng được rèn kỹ dạng bài tập đó đến khi làm bài kiểm tra chỉ cần thay số hay ngữ liệu thì cũng chả lo không đạt”. Thế nên, GV một trường tiểu học của Q.4, TP.HCM khẳng định: “Chất lượng ảo, hậu quả sẽ nhìn thấy ở lớp 6”.
B.Thanh
|
Bình luận (0)