Thầy cô cần tự chủ, không cần camera

Camera chỉ là phương tiện, thầy cô cần rèn cho mình tính tự chủ để làm chủ những suy nghĩ, tình cảm, và hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh,

Những ngày qua dư luận lại nóng lên việc thầy cô có những hành vi không phù hợp trong môi trường giáo dục. Đó là cô giáo tiểu học ở Bạc Liêu thản nhiên vừa chấm bài vừa quăng tập học trò xuống đất mà chẳng hề đoái hoài đến hình ảnh học trò nhỏ lúi húi nhặt vở lên khiến ai nhìn thấy cảnh đó cũng xót lòng. Hay cô giáo chủ nhiệm lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) đánh đầu, véo tai học sinh, gây phẫn nộ cho nhiều phụ huynh học sinh, dư luận bất bình nổi sóng.

Nếu có tâm, camera cũng thừa

Còn nhớ trước đây cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã yêu cầu học sinh trong lớp tát 230 cái vào má nam sinh, khiến em phải nhập viện cũng khiến dư luận phản đối. Trong tương lai không ai dám chắc rằng vấn đề bạo hành học sinh không còn xảy ra trong trường học nữa ?

Từ những câu chuyện đó, nảy sinh ý tưởng có cần gắn camera hay không trong lớp học được dư luận quan tâm với hai luồng ý kiến khác nhau. Thiết nghĩ sự việc hay hiện tượng nào cũng có hai mặt của nó tích cực và hạn chế, theo tôi cái chính là chữ tâm của người thầy chứ không phải cái camera vì nó là vật vô tri vô giác, cũng chỉ là phương tiện giúp ích cho con người trong hoàn cảnh trường hợp nào đó thôi.

Nếu thầy cô có tâm thì cái camera cũng bằng thừa, còn thầy cô thiếu chữ tâm mới sợ cái camera đó rồi tìm cách đối phó. Xét cho cùng tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể nhà trường nên gắn camera hay không đó là trách nhiệm của hiệu trưởng nếu thấy cần thiết. Còn việc có nên đánh, phạt học sinh hay không theo cá nhân tôi là không nên, chỉ cần thầy cô có kỹ năng kiềm chế, biết làm chủ bản thân là tốt nhất.

 

Điều tệ hại nhất là khiến học sinh khiếp sợ

Việc phạt, đánh học sinh là vi phạm pháp luật về quyền con người và quyền trẻ em. Như vậy việc phạt, đánh học sinh dưới bất kỳ hình thức nào là không nên. Thế nhưng tại sao hiện tượng này vẫn còn xảy ra? Đó là thầy cô không phải không hiểu luật pháp mà do thiếu kìm chế cảm xúc hay nói cách khác là không làm chủ được bản thân trước những tình huống học sinh vi phạm nội quy.

Nếu học sinh không học bài, làm bài thầy cô cần tìm hiểu vì sao? Có thể các em không biết làm hay quên làm, nhất là học sinh tiểu học nhận thức còn non nớt, ham chơi hơn ham học. Cô giáo cần tìm nguyên nhân, tạo cơ hội cho các em lần sau sửa chữa thay vì đánh, nhéo…học sinh gây phản tác dụng giáo dục. Nhà bác học Albert Einstein từng  nói “Đối với tôi, điều tệ hại nhất của nhà trường chủ yếu là việc dùng sự khiếp sợ, sự cưỡng bách, và quyền hành giả tạo làm phương pháp giáo dục. Cách thức đối xử như thế sẽ hủy hoại những cảm xúc lành mạnh, lòng trung thực và làm tổn thương cá nhân và cộng đồng". 

Mong rằng thầy cô cần rèn cho mình tính tự chủ để làm chủ những suy nghĩ, tình cảm, và hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh, tình huống, luôn có thái độ bình tĩnh tự tin và biết tự điều chỉnh hành vi của mình. Chúng ta cần phải biết làm chủ được bản thân mình, đứng vững trước những tình huống khó khăn và những thử thách cám dỗ, để tránh được những sự việc đáng tiếc xảy ra trong môi trường giáo dục để giá trị nhân văn được lan tỏa từ trường học.

                                                                                                

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.