Vụ một nữ sinh bị đánh hội đồng vừa xảy ra ở Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Trà Vinh) khiến ai cũng xót xa. Nhưng đau nhất vẫn là môi trường học đường bị vẩn đục, khi nữ sinh bị đánh bằng ghế một cách dã man. Tàn nhẫn thay khi nó được bịt kín như bưng.
Người bị bạo hành thì không nói nên lời. Người bạo hành thì không lên tiếng. Còn người chứng kiến thì chẳng biết thế nào nên cũng im hơi. Thông tin được lộ ra đúng vào ngày mà phụ nữ được tôn vinh.
Khi các em bị bạo lực, thầy cô ở đâu? Hơn nữa, vụ việc bạo lực này có thể được tổ chức bởi một lớp trưởng? Bên cạnh đó, có cả sự tham gia của vài người bạn cùng lớp và khác lớp? Chẳng lẽ một người bị bạo hành, thương tổn lại không có bất kỳ vết tích nào về thể xác lẫn tinh thần? Thầy cô ở đâu để những nỗi buồn của em vương trên mắt trên môi mà không ai thấy?
Thái độ của các nhà quản lý và thầy cô đối với hành vi bạo lực và kỹ năng giám sát, can thiệp có ảnh hưởng rất lớn đến các ứng xử của họ đối với những hành vi này. Tại trường học, các em học sinh cá biệt (thường có khuynh hướng trở thành kẻ gây bạo lực) không cảm thấy mình được mong đợi vì các em luôn bị nhìn nhận là tác nhân làm giảm thành tích của lớp, của trường.
Ai sẽ giúp đỡ em học sinh gặp khó khăn, thầy cô ơi. Học sinh sợ lắm những tiết sinh hoạt chủ nhiệm được mệnh danh là tiết mắng chửi. Sợ lắm phải nằm chễm chệ trong sổ đầu bài với tên gọi: kẻ phiến loạn, và sợ lắm phải chào cờ một mình đứng giữa sân vì là người duy nhất tạo nên giờ C cho lớp...
Thực tế có không ít học sinh gặp khó khăn trong mối quan hệ với bạn bè hay những lĩnh vực khác, nhưng không biết tìm tới đâu để chia sẻ, không biết tìm ai để được giúp đỡ. Do quá khó khăn nhưng lại không được ai hướng dẫn, khuynh hướng bạo lực trở nên gia tăng ở các em. Chính vì thế, gia đình, thầy cô cần cho trẻ niềm tin để trẻ chia sẻ. Việc thiếu hụt các phòng tư vấn học đường trong trường học và những tổ chức xã hội khác để có thể giúp đỡ học sinh khi cần thiết là một thách thức không nhỏ cho một môi trường giáo dục trường học mở rộng.
Thầy cô ở đâu khi học sinh trăn trở, mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh đang diễn ra theo chiều hướng nào, thầy cô sẽ làm gì để trở thành người bạn hay điểm tựa cho các em? Thầy cô có thể dành cho các em chút quan tâm, chút tình thương, chút quan sát, chút trò chuyện và chút lòng thành của sự thân thiện được không?
Dẫu biết rằng có thể là lỗi do học sinh, dẫu biết là thầy cô rất bận với nhiều áp lực bủa vây và dẫu biết là cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cần khẳng định rằng: học sinh cần thầy cô. Gia đình cần thầy cô, xã hội cần thầy cô. Cần lắm khi thầy cô dạy học, giáo dục học sinh nên người. Cần lắm khi thầy cô xử lý những mâu thuẫn giữa học trò với nhau. Và cần lắm thầy cô giúp học trò trấn an để có thể nhẹ nhàng và bước tiếp cuộc sống. Mọi thứ sẽ được khi và chỉ khi thầy cô dành thời gian và tâm trí dành cho chúng em.
Thầy cô là bạn và có một mối quan hệ đích thực với học sinh. Chính sự thân thiện và sự quan tâm, dõi theo đúng nghĩa của các thầy cô sẽ là phương thuốc giúp học sinh tự tin và cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống. Thầy cô sẽ làm tốt trách nhiệm của mình, học trò sẽ học thật tốt và thấy an toàn hơn để phát triển. Thầy cô ơi, đừng quá xa học trò, nhé!
Bình luận (0)