Thầy cô thắp đam mê, ươm khát vọng cho học sinh

18/11/2023 07:42 GMT+7

Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo VN (20.11), Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu chiều 17.11. Cùng ngày, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023.

Đây là năm thứ ba liên tiếp, người đứng đầu Chính phủ gặp gỡ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt với các nhà giáo. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc VN. Thủ tướng biểu dương các nhà giáo không những làm tốt công tác chuyên môn, quản lý, mà còn tích cực nghiên cứu khoa học, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế cao quý; tích cực tham gia hoạt động xã hội, thiện nguyện, vì học trò và vì cộng đồng. Những thầy cô giáo đã bền bỉ băng suối, vượt đèo, quyết "gùi con chữ" lên vùng cao, kiên trì "cắm bản", vận động từng con em đi học để tri thức, văn hóa nảy mầm sinh sôi trên những vùng đất khó. "Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả đó của các thầy cô giáo trong suốt những năm qua, nhất là trong đại dịch Covid-19", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thầy cô thắp đam mê, ươm khát vọng cho học sinh - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các thầy cô giáo tiêu biểu chiều 17.11

Nhật Bắc

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT như Nghị quyết 29 của T.Ư, phương châm đặt ra là: "Lấy học sinh làm trung tâm", "Lấy nhà trường làm nền tảng", "Lấy thầy cô giáo làm động lực". Từ đó, Thủ tướng nêu lên một số vấn đề lớn: chúng ta đã, đang và sẽ phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT một cách hiệu quả? Trong bối cảnh, tình hình mới, công tác dạy và học cần thay đổi như thế nào cho phù hợp? Làm sao để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế? Chính sách đãi ngộ thế nào là phù hợp để thầy cô yên tâm công tác?

Để tìm ra câu trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học; phòng, chống bạo lực trong trường học; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn... Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Theo Thủ tướng, phải luôn giữ phương châm: "Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt". Học sinh chỉ tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của thầy cô có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh. Thành công của giáo dục không phải là nhồi kiến thức cho đầy, không chỉ là tạo ra những chuyên gia giỏi mà là thắp lên ngọn lửa đam mê, ươm mầm khát vọng.

Những tấm gương tiêu biểu để học sinh noi theo

Tham dự chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp với Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức tối 17.11, có ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN; ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN.

Thầy cô thắp đam mê, ươm khát vọng cho học sinh - Ảnh 2.

Ông Phạm Tất Thắng và anh Nguyễn Ngọc Lương trao biểu trưng và phần thưởng của chương trình cho giáo viên được tuyên dương

Bảo Anh

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, cho biết chương trình Chia sẻ cùng thầy cô nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Năm 2023, chương trình tuyên dương 58 thầy cô giáo tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại các xã khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

"Đó là những thầy cô giáo dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng đã có những nỗ lực vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ, đạt thành tích cao trong công tác. Đó là những thầy cô quyết tâm bám trường, bám bản, vượt núi, băng sông, mang con chữ tới cho các em học sinh. Có những thầy cô vượt qua hoàn cảnh, khắc phục khó khăn để gieo con chữ ở những khu vực khó khăn nhất. Có những thầy cô không ngại phải đi xin từng cân gạo, mớ rau và cùng nhau góp từng 10.000 đồng, 20.000 đồng để mua đồ ăn mong cho các em học sinh ấm bụng hơn. Có những thầy cô chỉ mong đơn giản có thể đun được nhiều nước ấm hơn cho các em đỡ lạnh vào mùa đông băng giá…", anh Quy chia sẻ. Theo anh, các thầy cô, với tất cả sự tận tụy, tâm huyết đã không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn dạy các em làm người và hơn nữa còn là những tấm gương tiêu biểu để các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp của cuộc sống.

"Chúng tôi hy vọng, chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này sẽ góp phần cổ vũ, động viên các thầy giáo, cô giáo, giúp các thầy cô có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua mọi khó khăn thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, đóng góp vào sự phát triển đất nước, tạo nên thế hệ những con người VN sẽ hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc", anh Quy bày tỏ.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Đại diện đơn vị đồng tổ chức chương trình, bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ: "Mỗi năm, chúng tôi có thêm các nguồn lực để chung tay góp sức để hoạt động tri ân thầy cô ý nghĩa hơn. Sức lan tỏa này mạnh mẽ từ không gian địa lý ở 3 miền đất nước, mở rộng với các không gian mạng xã hội với sự tham gia của người trẻ và hơn hết là sự lan tỏa trong lòng mỗi con người, để thổi bùng lên truyền thống tôn sư trọng đạo đáng quý".

Bà Nga cũng cho biết Tập đoàn Thiên Long rất tự hào vì đã kể những câu chuyện về hành trình dạy học đầy gian khó nhưng cũng đầy niềm hạnh phúc của các thầy các cô. Đó là câu chuyện về những thầy cô đóng thuyền chở học sinh qua sông hơn 15 năm trời, các thầy đi 60 km mỗi ngày để đến trường dạy học. Đó còn là câu chuyện của những cô giáo từ bỏ công việc ở đồng bằng để xung phong gieo chữ ở vùng cao, mỗi ngày đi 20 cây số đường đèo để đến trường nhưng chưa từng ân hận vì quyết định của mình. "Chúng ta càng trân trọng hơn khi được biết có 19 thầy cô là người đồng bào dân tộc thiểu số, như Khmer, H'Mông, Mường, Thái, Tày, Nùng, Cơ Tu… Các thầy, các cô đang cùng ngành giáo dục cả nước tiếp tục sự nghiệp cao cả - sự nghiệp trồng người, tương lai của đất nước", bà Nga chia sẻ.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Ủy ban Dân tộc đã có buổi gặp mặt các thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình. Phát biểu tại chương trình, ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đánh giá rất cao sáng kiến của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên VN, và các cơ quan liên quan trong 8 năm qua đã tổ chức thành công chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, qua đó đã tôn vinh, tuyên dương được 458 nhà giáo tiêu biểu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước.

Tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, các giáo viên được tuyên dương đã được nhận bằng khen của Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN; biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng nhiều phần thưởng giá trị.

Thầy cô thắp đam mê, ươm khát vọng cho học sinh - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.