Thay đổi chương trình đào tạo ĐH: Tăng trải nghiệm thực tế

23/05/2024 06:05 GMT+7

Bỏ bớt thời lượng của một số môn không còn phù hợp hoặc nặng về lý thuyết, bổ sung các môn mang hơi thở của thực tiễn, tăng các hoạt động thực tế, thực hành để sinh viên đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp là điều mà các trường ĐH đang thực hiện và tiếp tục hướng đến.

THÊM MÔN HỌC MANG "HƠI THỞ THỜI ĐẠI"

PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, nhấn mạnh việc thay đổi chương trình đào tạo theo hướng bền vững và gắn với thực tiễn là vấn đề "sống còn" của giáo dục ĐH, vì mục tiêu cuối cùng của đào tạo chính là giúp sinh viên (SV) ra trường có thể làm việc được ngay và có năng lực phát triển nghề nghiệp.

Thay đổi chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn sẽ giúp SV ra trường có thể làm việc ngay và phát triển nghề nghiệp

Thay đổi chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn sẽ giúp SV ra trường có thể làm việc ngay và phát triển nghề nghiệp

MỸ QUYÊN

"So với nhiều năm về trước, chương trình đào tạo của ĐH Kinh tế TP.HCM ngày nay thay đổi rất nhiều nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Trường thường xuyên tái thiết kế, rà soát lại toàn bộ đề cương học phần, chuẩn đầu ra, tài liệu học tập trong từng ngành, chuyên ngành. Từ 5 năm trước trường đã đưa vào chương trình 3 môn học gắn liền với xu thế thời đại gồm nhập môn khoa học và dữ liệu, kỹ năng mềm và khởi nghiệp kinh doanh. Mới đây, trường tiếp tục bổ sung 3 môn gồm tâm lý học (nền tảng tâm lý), tư duy thiết kế, và phát triển bền vững. Đây đều là những kỹ năng quan trọng cho thị trường lao động trong 10 năm tới", PGS-TS Hùng chia sẻ.

Chẳng hạn nhập môn khoa học dữ liệu giúp SV có khả năng khai phá và đọc hiểu dữ liệu thông qua kiến thức về big data, internet vạn vật, điện toán đám mây, mã nguồn mở và gần nhất là máy học. Còn học phần kỹ năng gồm các kỹ năng làm việc, kiến tạo tố chất riêng và xây dựng năng lực cốt lõi giúp SV vượt qua các rào cản, tiếp cận hiệu quả hơn với môi trường học tập và làm việc...

Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, cũng cho biết chương trình đào tạo hiện nay so với 5 - 10 năm trước đã thay đổi rất nhiều vì được rà soát, cập nhật, bổ sung liên tục. "Hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, tham khảo và ứng dụng các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới là các yếu tố bắt buộc khi tham gia kiểm định quốc tế. Vì thế, số lượng môn học mới đưa vào khá nhiều để SV có thể lựa chọn 3 môn học tự chọn làm chuyên sâu thêm kiến thức mà mình mong muốn. Chẳng hạn SV ngành điện có thể chọn học thêm về trí tuệ nhân tạo (AI), SV ngành công nghệ thông tin chọn môn quản lý hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Những môn học này đều xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu của xã hội", PGS-TS Bùi Hoài Thắng nhận định.

Trước đây, Trường ĐH Công thương TP.HCM có các môn học bắt buộc về kỹ năng mềm nằm trong chương trình đào tạo, nhưng nay được tách ra thành môn học tự chọn, SV thấy cần bổ sung kỹ năng nào sẽ đăng ký và được học hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh các kỹ năng như giao tiếp, học tập hiệu quả..., mới đây trường đưa thêm kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, chương trình chính khóa bổ sung một số môn chuyên ngành đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, thông tin chương trình đào tạo của trường được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra, luôn tiếp cận với thực tế và tiến đến việc đáp ứng nhu cầu thực tế. "Hằng năm, các ngành thực hiện rà soát để cải tiến nhằm đáp ứng với những thay đổi của môi trường xã hội, với thực tế nghề nghiệp. Việc thay đổi chương trình được tham khảo trên ý kiến của nhà tuyển dụng lao động, SV đã tốt nghiệp và đang công tác tại những ngành nghề này, các chuyên gia và các hội nghề nghiệp. Từ đó, nhà trường cập nhật nội dung giảng dạy cho phù hợp với thực tế xã hội", tiến sĩ Tuấn cho hay.

Chương trình đào tạo hiện nay của các trường so với 5 - 10 năm trước đã thay đổi rất nhiều vì được rà soát, cập nhật, bổ sung liên tục

Chương trình đào tạo hiện nay của các trường so với 5 - 10 năm trước đã thay đổi rất nhiều vì được rà soát, cập nhật, bổ sung liên tục

ĐÀO NGỌC THẠCH


CỌ XÁT VỚI THỰC TIỄN DOANH NGHIỆP

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho hay: "Hiện nay chương trình đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ của trường được xây dựng theo 2 hướng: cử nhân và kỹ sư. SV học 120 tín chỉ sẽ được cấp bằng cử nhân và nếu có nhu cầu, học tiếp một học kỳ doanh nghiệp với 30 tín chỉ để được cấp bằng kỹ sư.

Với chương trình cử nhân, các em có tới 30 - 45% thực hành, chưa kể thêm 30 tín chỉ tại doanh nghiệp nếu lấy bằng kỹ sư. Ngoài ra, các kiến thức mới được tổ chức theo chuyên đề, mỗi chuyên đề tương đương 1 tín chỉ gồm 15 tiết, được giảng dạy bởi những người đứng đầu doanh nghiệp và cứ 5 tiết trên lớp thì có 10 tiết đến doanh nghiệp. Vì thế ra trường là các em làm việc được ngay do quá trình học ĐH đã được thực hành và cọ xát với thực tiễn doanh nghiệp".

PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho biết mới đây trường tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo, trong đó gia tăng tính trải nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp phù hợp từng học phần và ngành học.

"Các học phần được xây dựng có tính liên ngành, nghĩa là SV được chủ động tham gia nhiều học phần của các ngành khác nhau để có thêm kiến thức ở nhiều lĩnh vực, góp phần mở rộng cơ hội việc làm trong tương lai. Các em cũng được trải qua 2 kỳ thực tập là thực tập nhận thức và thực tập tốt nghiệp. Kỳ thực tập nhận thức tại doanh nghiệp trong 7 tuần tương đương 280 giờ học. Ở một số ngành học như quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (chương trình HoaSen Elite), SV đi học tại doanh nghiệp và được trả lương trong 2 năm. Giảng viên vẫn luôn đồng hành và hướng dẫn SV suốt thời gian này. SV các ngành khác cũng thường xuyên được học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế từ các chuyến tham quan trải nghiệm tại doanh nghiệp trong và ngoài nước", PGS-TS Ngọc Thúy chia sẻ.

Tương tự, SV Trường ĐH Văn Lang cũng được tiếp cận thực tế thông qua các chuyến tham quan nhà máy, doanh nghiệp sản xuất, khu công nghệ cao hoặc qua các chuyên đề, workshop mà trường mời chuyên gia từ doanh nghiệp đến giảng dạy, chia sẻ, giao lưu.

Giảng viên phải tích lũy kiến thức thực tiễn

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, bên cạnh việc cải tiến chương trình đào tạo thì yếu tố thực tiễn từ giảng viên (GV) cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải, chia sẻ kiến thức.

"Mỗi năm GV có 30 tuần trên lớp với 300 tiết phải hoàn thành. Tính ra mỗi tuần chỉ dạy 10 tiết. Vì thế thời gian còn lại, thầy cô sẽ phải nghiên cứu khoa học, làm việc tại doanh nghiệp để có kinh nghiệm thực tiễn. Điều này được thể hiện nội dung mà trường ký kết hợp tác với doanh nghiệp. Theo đó, GV của trường phải đến doanh nghiệp làm việc ở các vị trí như chuyên gia, tư vấn viên... GV có kinh nghiệm điều hành hay kinh nghiệm làm việc chuyên môn ở doanh nghiệp là điều rất tuyệt vời, SV sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ những kiến thức, kinh nghiệm ấy", PGS-TS Xuân Hoàn nhận định.

PGS-TS Bùi Hoài Thắng cũng cho biết Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có yêu cầu GV hoạt động khoa học công nghệ để tích lũy thực tiễn. Các hoạt động này nằm trong chương trình hợp tác với doanh nghiệp, như chủ trì đề tài nghiên cứu do doanh nghiệp đặt hàng, tham gia dự án, làm tư vấn, chuyên gia cho các công trình... "Chính bản thân GV cũng có nhu cầu đó và chủ động tham gia để có thêm kinh nghiệm, kiến thức giúp bài giảng hấp dẫn, sinh động và mang lại giá trị cho SV", ông Thắng nhìn nhận.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cũng cho rằng thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu, tham gia dự án, tham gia các hoạt động học thuật, hợp tác với doanh nghiệp..., kinh nghiệm thực tiễn của GV tăng lên, tạo giá trị cho bài giảng.

Trong khi đó, Trường ĐH Hoa Sen tuyển dụng nhiều GV có thời gian công tác, quản lý tại doanh nghiệp đa quốc gia, một số GV khởi nghiệp kinh doanh. "Với định hướng đào tạo ứng dụng, thì việc truyền đạt kinh nghiệm thực tế từ GV sẽ giúp SV có kiến thức thực tiễn để áp dụng khi đi làm", PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.