Dưới đây là ý kiến, nhận định của những người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí.
Đề xuất các chính sách hỗ trợ báo chí
Cục sẽ đề xuất, kiến nghị lên Bộ các chính sách hỗ trợ cho báo chí ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0. Bộ cũng đã có hướng hỗ trợ platfom - nền tảng chung cho báo chí điện tử... Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, mỗi tòa soạn phải tự đổi mới, đầu tư công nghệ, học tập áp dụng các mô hình mới, thành tòa soạn đa phương tiện. Báo chí không chỉ cạnh tranh mà phải tận dụng mạng xã hội như một nguồn tin. Bản thân thông tin trên mạng xã hội có cả tin đúng, tin giả. Vai trò của báo chí chính thống là kiểm chứng nguồn thông tin đó, xây dựng niềm tin, trở thành nguồn tin đáng tin cậy cho người đọc.
Ông Lưu Đình Phúc (Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT-TT)
“Nhúng” các sinh viên báo chí vào thực tế
Nghề báo hiện nay có quá nhiều thay đổi do tác động của công nghệ cũng như sự bùng phát về thông tin của xã hội. Sinh viên ngành báo chí hiện nay có trình độ, năng lực tốt, có đam mê nghề nghiệp, tiếp cận công nghệ trong báo chí tốt. Tuy nhiên, hiểu về nghề báo hơi “hào nhoáng”; chưa nhìn thấy hết thực tế thử thách cọ xát trong nghề báo; đồng thời vẫn còn “non” trong việc tiếp cận chủ đề gai góc của xã hội. Các cơ sở đào tạo ngành này vẫn đang tìm kiếm mô hình hợp tác để đào tạo ngành báo chí tốt hơn; cùng nhau lên kế hoạch phát triển; có sự phối hợp giữa nhà tuyển dụng với nhà trường... Qua đó tạo cơ hội “nhúng” các sinh viên báo chí vào thực tế để tiếp cận học nghề.
TS Huỳnh Văn Thông (nguyên Trưởng khoa Báo chí và truyền thông, Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng mềm
Sinh viên báo chí hiện nay năng động; chủ động cao trong tiếp cận thông tin... Tuy nhiên, trước sự chiếm lĩnh của mạng xã hội, sinh viên báo chí có ít thời gian tự nghiên cứu hơn trước. Hạn chế về chiều sâu, tầng kiến thức bị mỏng đi, ít có nền tảng để mổ xẻ một vấn đề trước một rừng thông tin.
Nghề báo rất đặc biệt, mang tính xã hội, ảnh hưởng lớn, nếu một thông tin không chuẩn sẽ tác động hàng triệu người. Vì vậy, muốn khắc phục được những hạn chế nói trên để ra đời thành công với nghề báo, thì phải chủ động trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng mềm; nền tảng, văn hóa, luật pháp để đi theo mảng mình theo đuổi.
Ông Nguyễn Hồng Hải (Phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II TP.HCM)
Đừng nghĩ công nghệ báo chí là những thứ gì đó ghê gớm
Báo chí VN đã biết đến ứng dụng công nghệ, có mong muốn thực hiện nhưng nhìn chung mới manh nha. Một số báo đã ứng dụng bản đồ tương tác, báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu (data journalism), viết bài long-form... nhưng mới “học được vẻ ngoài”. Để thích nghi, không còn cách nào khác hơn, báo chí phải có chiều sâu thông tin hơn và nâng cao công nghệ.
Đừng nghĩ công nghệ báo chí là những thứ gì đó ghê gớm, trừ những ứng dụng ở mức cao như big data, AI... Thực chất có rất nhiều công nghệ đơn giản mà nhà báo có thể ứng dụng ngay, thậm chí miễn phí. Tuy nhiên, để chuyển đổi thì cần rất nhiều quyết tâm, vì sức ì, lực cản luôn rất lớn.
Bà Trần Lệ Thùy (Giám đốc Trung tâm sáng kiến truyền thông và phát triển)
Bình luận (0)