Thay đổi hệ thống kiểm tra, đánh giá: Động lực đổi mới dạy học

17/09/2023 07:02 GMT+7

Theo chuyên gia giáo dục, thay đổi hệ thống đánh giá mạnh mẽ là động lực đổi mới dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu kết quả giáo dục (Viện Khoa học giáo dục VN), cho hay khi ban hành Chương trình GDPT 2018, Bộ GD-ĐT đã cam kết sự đổi mới đồng bộ mục tiêu về phương pháp dạy học, nội dung dạy học và kiểm tra đánh giá. Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá sẽ tập trung vào năng lực của học sinh (HS), sử dụng nhiều phương thức, công cụ khác nhau, thay vì chỉ sử dụng công cụ đã quá phổ biến là bài kiểm tra. Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã có những hướng dẫn về vấn đề này.

Động lực đổi mới cách dạy học - Ảnh 1.

Có rất nhiều cách ôn tập lại nội dung bài cũ mà không nhất thiết phải buộc học sinh thuộc lòng

NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, theo bà Thơ, qua quá trình đồng hành cùng các nhà trường và theo dõi các kỳ thi tuyển sinh, rất ít địa phương dịch chuyển, sử dụng bộ công cụ đánh giá này. Để tạo hệ sinh thái cho Chương trình GDPT 2018 đi vào cuộc sống, động lực về mục tiêu, phương pháp, nội dung, hạ tầng triển khai phải hòa cùng động lực từ hệ thống đánh giá. Hệ thống đánh giá này phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thì mới là động lực đổi mới cách dạy học.

Với quyết tâm thay đổi mạnh mẽ cách kiểm tra, đánh giá HS phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT mới, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các trường về kiểm tra đánh giá HS.

Thay đổi hệ thống kiểm tra, đánh giá: Động lực đổi mới  dạy học - Ảnh 2.

Giáo viên có thể thực hiện đánh giá thường xuyên học sinh thông qua hình thức hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập...

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Nguyễn Bảo Quốc nói thêm theo quy định về đánh giá HS THCS và THPT có đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Có các môn đánh giá bằng nhận xét và có những môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Về hình thức, đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua hình thức hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Mục đích của đánh giá thường xuyên là đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của HS diễn ra trong quá trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình. Thông qua đó cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên để kịp thời điều chỉnh trong quá trình dạy học; hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của HS; xác nhận kết quả đạt được của HS trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ rèn luyện và học tập.

Cụ thể về việc thay đổi trong đánh giá, kiểm tra, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cho hay có rất nhiều cách ôn tập lại nội dung bài cũ mà không nhất thiết phải buộc HS thuộc lòng, chẳng hạn thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.