Thay đổi - không quá khó

20/03/2016 05:34 GMT+7

Không biết tự bao giờ, người Việt rất ít tin vào những đổi thay tích cực. Bao nhiêu mặt trái của cuộc sống, được báo chí phanh phui, nhưng chủ thể cứ giữ thái độ 'Im lặng là vàng', trước những hiến kế sửa đổi.

Không biết tự bao giờ, người Việt rất ít tin vào những đổi thay tích cực. Bao nhiêu mặt trái của cuộc sống, được báo chí phanh phui, nhưng chủ thể cứ giữ thái độ 'Im lặng là vàng', trước những hiến kế sửa đổi.

Nhiều việc, cứ như “nước đổ đầu vịt”, trôi tuột theo lời nói gió bay. Lắm lúc, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, dù quanh ta không thiếu người tốt, việc tốt.
Tuần rồi, giữa gam màu xám của nhiều vấn nạn, bỗng vụt sáng những đổi thay ấn tượng. Một trong những điểm sáng đó là thông tin quốc tế cho biết “Mạng Skytrax (London, Anh) xếp sân bay Nội Bài (Hà Nội) hạng 82/555 sân bay quốc tế toàn cầu”. Dẫu biết rằng việc xếp loại của các tổ chức, kể cả quốc tế chỉ tương đối, nhưng Skytrax là trang mạng có uy tín, tiêu chí xếp hạng rõ ràng, thực hiện với hàng chục triệu hành khách thuộc 160 quốc gia.
Không ít người ngạc nhiên. Ngạc nhiên là phải. Năm 2014, Skytrax xếp sân bay Nội Bài hạng 218. Năm 2015, đại nhảy vọt lên 82, tăng 136 bậc. Nội Bài (hạng 5) và Tân Sơn Nhất (hạng 8) từng có mặt trong “10 sân bay tệ hại nhất châu Á” năm 2014 (mạng Sleepinginairport.Net). Năm nay, Skytrax còn trao cho Nội Bài “Giải thưởng sân bay cải thiện nhất thế giới” với các dịch vụ như phòng VIP, nhà vệ sinh, bán hàng, ăn uống, thủ tục xuất nhập cảnh, an ninh, wifi, giải trí, thời gian nhận hành lý… Có lẽ, cán bộ và công nhân viên sân bay Nội Bài cũng bất ngờ vì những cố gắng của mình đã mang lại kết quả vượt bậc. Dĩ nhiên, còn nhiều việc phải tiếp tục cải thiện, chưa thể bằng lòng với chính mình và tự sướng.
Rõ ràng, chỉ vài thay đổi nhỏ, từ nhận thức đến thái độ phục vụ là chất lượng đã khác hẳn. Việc tăng 136 bậc của Nội Bài không phải là chuyện thần kỳ. Cũng không cần những cố gắng phi thường hay tiền bạc hoành tráng. Nếu mỗi cá nhân, từ lãnh đạo đến nhân viên phục vụ, thay đổi cách nghĩ, lấy khách hàng làm chủ thể để phục vụ thì chất lượng đã một trời một vực. Cha ông mình từng dạy “Của cho không bằng cách cho”. Kỹ thuật, cơ sở vật chất rất quan trọng nhưng quan trọng nhất là thái độ phục vụ. Thái độ phục vụ không chỉ là bộ mặt mà là linh hồn của các sân bay, từ những dịch vụ nhỏ nhặt. VN chưa phải là đối thủ của những sân bay hiện đại ở các nước phát triển, nhưng thừa sức cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí qua mặt họ về thái độ phục vụ. Việc này hoàn toàn nằm trong khả năng. Vấn đề là có thật lòng muốn thay đổi hay không?
Không chỉ Nội Bài, Tân Sơn Nhất cũng đang thay đổi. Mới đây Tân Sơn Nhất khai trương xe buýt đưa đón khách từ trung tâm thành phố, hoạt động 20/24 giờ mỗi ngày, rất đáng hoan nghênh. Trước chỉ có xe buýt 152 từ Trung Sơn đi sân bay, hoạt động từ 6 - 18 giờ mỗi ngày; trạm cuối dừng ở ga quốc tế, khách nội địa phải cuốc bộ thêm 400 m, rất bất tiện.
Sực nhớ chuyện Homestay CBT đang xôn xao làng du lịch. Từ những thất bại của việc bê nguyên xi lý thuyết nước ngoài, phải ăn, ngủ, vệ sinh, sinh hoạt... như người bản địa; khách thích vì lạ và được trải nghiệm nhưng rất ngại bị “đồng hóa”, ăn ngủ như trại tị nạn, nên chỉ thử một lần cho biết. Hiểu được tâm lý du khách, nhóm CBT chỉ cần thay đổi nhận thức của người dân, lấy sự chân thành và cầu thị để phục vụ, là có ngay “Homestay - made in Vietnam” ấn tượng. Chỗ ở chung nhưng phải có không gian riêng thoáng mát, tiện nghi tối thiểu. Nhà vệ sinh sạch sẽ, tách nhà ăn khỏi chỗ ngủ, có welcome drink... là khách ùn ùn kéo tới, đi rồi còn quay lại.
Mới hay, thay đổi không khó như mình tưởng. Chỗ nào cũng vậy, việc nào cũng thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.