Thay đổi thói quen của người dân từ tiết kiệm, tích trữ sang mua bảo hiểm

24/12/2020 17:59 GMT+7

Muốn mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), trước hết là thay đổi thói quen của người dân từ tiết kiệm, tích trữ phòng lúc khó khăn sang mua bảo hiểm, đóng góp vào hệ thống an sinh xã hội chung.

Đây là ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ngày 24.12.
Theo ông Đam, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam có nhiều nỗ lực cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại kết quả hết sức cụ thể, không chỉ phục vụ công tác của ngành, mà còn đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới thông tin quản trị của quốc gia, góp phần tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cả đất nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Đam cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: số người tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, còn thấp so với nhóm đối tượng tiềm năng. Công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chưa thực sự hiệu quả, còn một số vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm, chưa bảo đảm tính bền vững.
Ngoài mở diện bao phủ ra, còn có vấn đề nhức nhối tồn tại đó là vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Để khắc phục, ông Đam đề nghị BHXH Việt Nam tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH. Một trong những điểm rất quan trọng mang tính chất quyết định là thay đổi thói quen, suy nghĩ của người dân.
“Quan trọng nhất là chúng ta làm thay đổi suy nghĩ, thói quen của người dân là không phải mua gạo, thóc, vàng dự phòng, mà tư duy bây giờ chính là tham gia BHXH. Như vậy, chiến lược của chúng ta phải thay đổi, hãy đưa ra các gói bảo hiểm mệnh giá thấp, giá trị rất nhỏ trong một số năm để thay đổi tư duy, thói quen của người dân; đồng thời kết hợp với một số chương trình hỗ trợ an sinh xã hội”, ông Đam gợi mở.
Lưu ý BHXH Việt Nam cần chủ động mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp khác, trước hết là trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe, để cùng xây dựng các gói bảo hiểm đa dạng, phù hợp với từng phân khúc thị trường, Phó thủ tướng nhấn mạnh chỉ có hệ thống BHXH với độ bao phủ lớn cơ bản toàn dân thì an sinh xã hội mới bền vững, đất nước mới bền vững.
"Đây là nhiệm vụ rất lớn, năm 2021 bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, đặt quyết tâm trong nhiệm kỳ mới chúng ta quyết tâm làm lên kỳ tích, nhất thiết phải vượt mức kế hoạch 2025 là 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH và 35% lực lượng lao động tham gia BHTN", ông Đam nói.

Chỉ mất 17 năm, Việt Nam được đạt mục tiêu BHYT toàn dân

Theo BHXH Việt Nam, năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 494.000 người, gần gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia BHTN (đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Chỉ tiêu bao phủ BHYT tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015 (so với mục tiêu Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%).

Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.