VN muốn phát triển nông nghiệp trước hết phải thay đổi tư duy, xem
nông nghiệp chính là ngành công nghiệp sản xuất và chế biến lương thực
thực phẩm.
Sản xuất lúa gạo cần tổ chức lại thành vùng sản xuất lớn - Ảnh: Chí Nhân |
Quan điểm này được nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại diễn đàn kinh doanh 2015 với chủ đề “Đầu tư nông nghiệp thời TPP”, do kênh thông tin kinh tế - tài chính (CAFEF) kết hợp Tổng hội NN-PTNT VN tổ chức cuối tuần qua ở TP.HCM.
“Vác bao gạo qua, vác bao phân về”
TS Phạm Quang Diệu, chuyên gia độc lập về nông nghiệp, nêu một thực trạng đáng buồn của ngành lúa gạo nói riêng và cũng là của cả nền nông nghiệp VN. Theo thống kê chính thức, sau khi đạt đỉnh 8 triệu tấn vào năm 2012, sản lượng gạo xuất khẩu của VN liên tục giảm chỉ còn 6,3 - 6,4 triệu tấn. Nhưng đây chưa phải là con số thực, bởi theo ước tính lượng gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc mỗi năm chừng 1,5 - 2 triệu tấn. Nếu trước đây gạo từ các tỉnh ĐBSCL được chuyển lên cảng Sài Gòn rồi đi các nước theo con đường chính ngạch, thì từ năm 2012, gạo còn được tập kết ở cảng An Giang, Cần Thơ rồi chuyển tới cảng Hải Phòng, rồi từ Hải Phòng chuyển lên các tỉnh phía bắc để đưa qua Trung Quốc.
“Tôi đã đi thực tế ở các tỉnh biên giới phía bắc và thấy người ta cứ vác bao gạo từ bên này qua rồi vác bao phân bón từ bên kia về. Phân bón sau đó được chuyển về tận các tỉnh miền Tây. Một kênh xuất khẩu qua nhiều khâu trung gian, chi phí lớn, rủi ro cao, nhiều công lao động… nhưng nó vẫn tồn tại, chứng tỏ phải có một khoản lợi nhuận rất lớn. Khoản lợi nhuận đó được tạo ra từ chính sách từ phía Trung Quốc”, TS Diệu nói và đặt vấn đề: “Chúng ta đã trở thành thành viên của WTO bao nhiêu năm rồi và liệu sắp tới khi là thành viên của TPP thì kiểu xuất khẩu như thế này có còn tồn tại? Nó có tác hại như thế nào đến nền kinh tế của chúng ta? Những con số này chưa được phân tích đầy đủ khiến ngành kinh doanh này biến động rất lớn, gây rủi ro cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở miền Tây”.
Không chỉ gạo mà nhiều mặt hàng nông sản khác của VN được làm ra chủ yếu chỉ để bán cho Trung Quốc là một thực tế. Nhiều chuyên gia cho rằng hậu quả của nó rất lớn, sẽ dẫn chúng ta theo con đường làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, không chú trọng vào chất lượng, sức cạnh tranh kém, giá thấp...
“Ngành công nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm”
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng tham gia TPP, nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển và chúng ta nên phát triển một nền nông nghiệp đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh của từng ngành. “Trong nông nghiệp thì chăn nuôi sẽ gặp nhiều thách thức và các nhà đàm phán đã cố gắng kéo dài thời gian bảo hộ. Tôi cho rằng nên bảo hộ với những ngành có tiềm năng phát triển để nó có thời gian chuyển dịch. Nếu nó không chuyển dịch thì bảo hộ kéo dài cũng vô tích sự, ví dụ như ngành mía đường”, ông Tuyển nói.
Cũng theo ông Tuyển, ngành nông nghiệp cần triển khai quyết liệt tái cơ cấu gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đưa công nghiệp tác động vào nông nghiệp, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong tất cả các khâu chọn giống, canh tác, bảo quản, chế biến, phân phối và tiêu thụ... Phải xem nông nghiệp là ngành công nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm, như vậy mới đúng và hết ý nghĩa của nó. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất lớn, tạo mối liên kết, gắn kết chặt chẽ các công đoạn và đảm bảo phân phối lợi ích hợp lý, hướng tới chất lượng, giá cả phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Cần phải xác định đúng đắn vai trò của nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, nhà nước đóng vai trò tổ chức, quy hoạch phát triển.
“Bản thân nhà nước cũng phải thay đổi tư duy từ làm chính sách để xác lập trật tự sang làm chính sách để thúc đẩy phát triển. Trong TPP không chỉ có sản phẩm cạnh tranh với sản phẩm, doanh nghiệp cạnh tranh với doanh nghiệp mà ngay chính bản thân các nhà nước cũng phải cạnh tranh với nhau. Nếu chúng ta không cải cách rất nhanh và mạnh về mặt thể chế sẽ rất khó cạnh tranh”, ông Tuyển nói.
Ít được đầu tư
Ở góc nhìn khác, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, phân tích nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức trong hội nhập, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng gần đây giảm sút, khả năng cạnh tranh và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp chưa cao, tình trạng sản phẩm nông nghiệp mất an toàn. Tổng vốn đầu tư xã hội vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 5,4 - 5,6%. Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% trong toàn nền kinh tế.
Theo TS Vũ Thị Minh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tính đến cuối năm 2014, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm 2,1% tổng vốn đầu tư FDI. Nếu tính trong 3 năm gần đây thì vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này chỉ từ 0,4 - 0,6%.
|
Bình luận (0)