Thay đổi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội có làm tăng dạy thêm - học thêm?

11/04/2018 08:44 GMT+7

Chiều 10.4, Sở GD-ĐT Hà Nội họp báo thông tin về tuyển sinh đầu cấp năm học 2018 - 2019 và dự kiến phương án tuyển sinh năm học 2019 - 2020.

Nhiều câu hỏi tập trung vào việc thay đổi thi tuyển sinh lớp 10 đã được Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra những giải đáp ban đầu.
Theo phương án Sở GD-ĐT Hà Nội công bố trước đó, từ năm 2019 sẽ tổ chức thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp. Trong đó có 2 loại bài thi tổ hợp, gồm: tổ hợp 1 (ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân), hoặc tổ hợp 2 (ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học). Sở sẽ công bố chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp trên vào cuối tháng 3 hằng năm.
Tại buổi họp báo, PV Thanh Niên nêu vấn đề: Nhiều ý kiến cho rằng, đến cuối tháng 3 mới công bố bài thi tổ hợp khiến HS sẽ phải học để luyện thi tất cả các môn, dẫn tới tình trạng dạy thêm học thêm căng thẳng hơn rất nhiều so với hiện nay.
Tăng chỉ tiêu công lập

Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết việc tăng đột biến (22.000 HS) vào lớp 10 năm học 2018 - 2019  sẽ được giải quyết bằng tăng chỉ tiêu vào công lập đảm bảo đủ theo tỷ lệ HS vào THPT công lập mà HĐND TP đã quyết định. "Sĩ số của các trường sẽ tăng từ 40 HS/lớp lên 45 HS/lớp, tăng 327 lớp ở tất cả các trường THPT. Có thể ký hợp đồng với giáo viên, mua sắm cơ sở vật chất đảm bảo đủ chỗ học cho HS", ông Đại nói.


Về vấn đề này, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định: "Chúng tôi sẽ có phương án giảm tải cho HS, giảm áp lực dạy thêm học thêm trong chính định hướng ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 từ các năm học 2019 - 2020 để các nhà trường và thầy cô yên tâm. Đề thi sẽ chỉ yêu cầu HS học chăm chỉ những bài học trong chương trình, sách giáo khoa THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9 hiện hành là có thể làm bài tốt mà không cần phải đi học thêm".
Đặc biệt, theo ông Dũng, đề thi sẽ không có phần câu hỏi mang tính “đánh đố” HS. “Chúng tôi sẽ tính toán để đề thi sẽ không có những câu hỏi quá khó như vậy, mục tiêu là để giảm áp lực dạy thêm, học thêm đối với người học”, ông Dũng khẳng định.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng nhấn mạnh: “HS chỉ cần học đúng chương trình vì đề thi sẽ không kiểm tra kiến thức ngoài sách giáo khoa, dù chỉ một chữ. Các trường có hơn một năm học để thay đổi cách học theo hướng tích cực hơn”.
Trước băn khoăn về việc Sở GD-ĐT căn cứ vào đâu để sắp xếp 2 bài thi tổ hợp và có ý kiến thắc mắc tại sao lại không phải là tổ hợp khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên riêng rẽ, ông Chử Xuân Dũng cho rằng, thi tuyển vào lớp 10 THPT khi học THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, giáo dục toàn diện bắt buộc tất cả các môn học. Chính vì vậy, bài thi tổ hợp cần có sự đan xen cả môn thi thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, cả khoa học tự nhiên bên cạnh môn ngoại ngữ để giúp HS nào cũng được đánh giá công bằng khi tham dự kỳ thi này.
Ông Phạm Quốc Toản, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội), cho biết: Tháng 9 tới, thời điểm bắt đầu vào năm học mới, Sở sẽ có đề minh họa bài thi tổ hợp vào lớp 10 để HS biết và làm quen, đồng thời tiếp nhận ý kiến góp ý của dư luận để xây dựng đề thi chính thức phù hợp nhất.
Với 4 trường THPT chuyên của Hà Nội, khi áp dụng phương án tuyển sinh mới, ông Chử Xuân Dũng cho biết HS vẫn dự thi các môn thi, bài thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập bình thường như là các môn thi điều kiện, đồng thời sẽ dự thi thêm 1 môn chuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.