(TNO) Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa có kết luận về đợt kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường đối với 38 trường đại học, cao đẳng. Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho biết một số thông tin về đợt kiểm tra này.
|
* Xin ông cho biết thực trạng của các trường qua đợt kiểm tra vừa qua?
- Trong tháng 3.2012, Bộ GD-ĐT đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra 38 trường đại học, cao đẳng (trong đó có 19 trường công lập và 19 trường ngoài công lập). Qua kiểm tra cho thấy, nhiều trường đã nỗ lực thực hiện có kết quả các cam kết, tổ chức đào tạo có chất lượng, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội.
Cụ thể, Trường cao đẳng Công nghiệp Cao su (Bình Phước), Trường đại học Quang Trung (Bình Định), Trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh, Trường đại học Thành Đông (Hải Dương)... đã có đất sử dụng ổn định, lâu dài với diện tích lớn. Trường đại học Yersin Đà Lạt, Trường đại học Quảng Nam, Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa... đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang phục vụ đào tạo. Đội ngũ giảng viên của các trường cũng được bổ sung về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Một số trường có tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học cao như Trường đại học TDTT Đà Nẵng đạt 82%, Trường đại học Quảng Nam đạt 61,9%...
Bên cạnh đó, một số trường còn hết sức khó khăn, nhất là về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất (7 trường có dưới 50 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, 42 ngành đào tạo đại học chưa có tiến sĩ đúng ngành, 25 ngành cao đẳng chưa có thạc sĩ đúng ngành; một số trường chưa có đất hoặc có đất hẹp dưới 1 ha; một số trường thuê mướn ngắn hạn nhiều cơ sở khác nhau). Đặc biệt, một số ngành đào tạo phát triển quá nhanh (có ngành có tới trên 400 sinh viên/giảng viên).
* Vậy Bộ Giáo dục - Đào tạo có hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Các đoàn kiểm tra đã chỉ rõ mặt được và chưa được ở từng trường, đồng thời cảnh báo các trường vi phạm các quy định ở mức độ khác nhau.
Kết thúc kiểm tra, Bộ GD-ĐT đã căn cứ Nghị quyết 50/2010/NQ-QH12 và các văn bản pháp luật liên quan để xem xét, đề ra một loạt nhiệm vụ như: có văn bản phân công các đơn vị nghiên cứu, xử lý kiến nghị của các trường; xây dựng văn bản cảnh báo các trường chưa xây dựng cơ sở đào tạo theo cam kết, các trường thiếu giảng viên; giao các đơn vị thuộc Bộ rà soát đề xuất việc sửa đổi bổ sung các văn bản quản lý bảo đảm sự đồng bộ và khả thi; giao đơn vị tham mưu triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục; có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục...
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng ban hành quyết định dừng tuyển sinh năm 2012 đối với một số trường đại học, cao đẳng và một số ngành học.
* Thưa ông, việc dừng tuyển sinh được dựa trên những tiêu chí nào?
- Nghị quyết số 50/2010/NQ-QH của Quốc hội và các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đã nêu ra yêu cầu bảo đảm chất lượng đào tạo, trong đó nhấn mạnh việc “đặc biệt quan tâm các tiêu chí về cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên”; đồng thời cũng nêu rõ các hình thức chế tài ở các mức độ khác nhau từ dừng tuyển sinh ngành đào tạo tới việc xem xét giải thể nhà trường.
Căn cứ vào các quy định đó và thực tiễn kiểm tra, Bộ GD-ĐT đã quyết định dừng tuyển sinh đối với các trường chưa có đất, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao và dừng tuyển sinh đối với các ngành thiếu (hoặc chưa có) thạc sĩ, tiến sĩ và có tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao. Như vậy, các trường và các ngành bị dừng tuyển sinh đợt này hầu hết đều vi phạm hai tiêu chí quan trọng ở mức độ nặng. Một số trường khác tuy có vi phạm nhưng ở mức độ nhẹ hơn thì không dừng tuyển sinh mà sẽ dùng giải pháp khác để các trường tiếp tục phấn đấu.
* Thưa ông tại sao Bộ GD-ĐT lại đưa ra quyết định dừng tuyển sinh vào thời điểm thí sinh đã đăng ký dự thi?
- Việc dừng tuyển sinh sẽ gây ra một số xáo động đối với một bộ phận thí sinh ở một số trường. Điều này Bộ GD-ĐT cũng đã tính đến song để bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của cả hệ thống, đồng thời giữ nghiêm kỷ cương trong quản lý theo yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ đã quyết định dừng tuyển sinh như đã nêu trên.
Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, ngày 27.4 Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn các sở GD-ĐT; các đại học, học viện, cao đẳng thực hiện các giải pháp như: Thông báo cho thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) theo tuyến của sở vào ngành bị đình chỉ tuyển sinh để thí sinh biết và đăng ký lại; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đã nộp hồ sơ ĐKDT vào ngành bị đình chỉ tuyển sinh được đăng ký lại hồ sơ ĐKDT; thí sinh đăng ký lại hồ sơ ĐKDT không phải nộp thêm bất cứ khoản lệ phí nào...
Vũ Thơ (ghi)
>> Sẽ giải thể các trường sai phạm
>> Sẽ đóng cửa những trường ĐH không đủ điều kiện
>> Phó chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường nào dạy dồn, dạy ép sẽ bị kỷ luật
>> Lách quy định để dạy thêm
>> Những sai phạm tại ĐH Quy Nhơn: Cơ quan điều tra vào cuộc
Bình luận (0)