Ngày 30.5, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT công lập không chuyên năm học 2022 - 2023.
Hà Nội công bố "tỷ lệ chọi" vào các trường THPT công lập không chuyên |
đậu tiến đạt |
Xu hướng "né" các trường có điểm chuẩn quá cao
Năm nay, Hà Nội tiếp tục có khoảng cách rõ rệt về số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 giữa khu vực nội thành và ngoại thành.
Nhìn vào "tỷ lệ chọi" cho thấy có xu hướng thí sinh “né” đăng ký các trường vốn điểm chuẩn cao ngất các năm trước như THPT Kim Liên, THPT Thăng Long…
Điều này có thể do tâm lý e ngại phải cạnh tranh quá cao trong khi học sinh không còn cơ hội thay đổi nguyện vọng như các năm trước.
Do vậy, những trường có tỷ lệ chọi cao nhất không phải là những trường có điểm chuẩn cao nhất của Hà Nội các năm gần đây dù vẫn có những cái tên quen thuộc như Yên Hòa, Phan Đình Phùng, Lê Quý Đôn - Hà Đông..
Top 10 đã xuất hiện những tên mới như THPT Mỹ Đình, Hoàng Văn Thụ...
Đứng đầu trong top 10 trường có "tỷ lệ chọi" cao nhất là các trường có tiếng ở khu vực nội thành hoặc khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh những năm gần đây như Q.Thanh Xuân, Q.Cầu Giấy, Q.Hà Đông…
Trong 10 trường THPT công lập có "tỷ lệ chọi" cao nhất Hà Nội (không tính 3 trường tuyển sinh trên phạm vi toàn thành phố - THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây và Phổ thông dân tộc nội trú), thì THPT Yên Hòa dẫn đầu với 2.048 học sinh đăng ký nguyện vọng 1 trong khi chỉ tiêu là 675, tỷ lệ chọi là 1/3,03.
Thứ hai là Trường THPT Mỹ Đình, số đăng ký là 1.297, chỉ tiêu là 520, tỷ lệ chọi là 1/2,63. Tiếp đó là THPT Nhân Chính, số đăng ký là 1.482, chỉ tiêu 585, tỷ lệ chọi 1/2,53; THPT Lê Quý Đôn Hà Đông, số đăng ký 1.805, chỉ tiêu 720, tỷ lệ chọi 1/2,50.
THPT Cầu Giấy xếp thứ 5 với số đăng ký 1.666, chỉ tiêu 675, tỷ lệ chọi 1/2,46. Tiếp đó là THPT Quang Trung - Hà Đông, số đăng ký 1.723, chỉ tiêu 720, tỷ lệ chọi 1/2,39; THPT Phan Đình Phùng, số đăng ký 1.570, chỉ tiêu 675, tỷ lệ chọi 1/2,33; THPT Nguyễn Thị Minh Khai, số đăng ký 1.570, chỉ tiêu 765, tỷ lệ chọi 1/2,05; THPT Hoàng Văn Thụ, số đăng ký 1.353, chỉ tiêu 675, tỷ lệ chọi 1/2,0.
Đổ xô chọn nguyện vọng 3 vào các “trường huyện”
Ở chiều ngược lại, có tới gần 10 trường tại các huyện ngoại thành có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 không bằng số lượng chỉ tiêu được giao. Ví dụ, THPT Đại Cường, số đăng ký là 285 trong khi chỉ tiêu tới 315. THPT Bất Bạt, số đăng ký 369, chỉ tiêu tới 495. THPT Minh Hà, số đăng ký chỉ 373 trong khi chỉ tiêu là 450.
THPT Bắc Lương Sơn, số đăng ký 406 nhưng chỉ tiêu là 450. THPT Tự Lập, số đăng ký chỉ 268 trong khi chỉ tiêu tới 450. THPT Ba Vì số đăng ký 642, chỉ tiêu là 675. THPT Minh Quang, số đăng ký 253, chỉ tiêu là 405 và THPT Đại Cường, số đăng ký 285, chỉ tiêu là 315…
Tuy nhiên, đây cũng là những trường có số đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 rất cao. Ví dụ, THPT Đại Cường có 1.115 thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 và 2.614 đăng ký nguyện vọng 3.
THPT Bất Bạt số đăng ký nguyện vọng 2 và 3 đều là hơn 1.200. THPT Minh Quang dù nguyện vọng 1 chỉ có 253 nhưng nguyện vọng 2 là 1.439, nguyện vọng 3 là 2.016…
Từ năm 2021, khi Hà Nội cho phép thí sinh đăng ký thêm nguyện vọng thứ 3 và nguyện vọng này có thể ở khu vực tuyển sinh bất kỳ trên địa bàn thành phố, đã dẫn đến thực tế thí sinh dù đăng ký nguyện vọng 1 và 2 ở các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân,… nhưng vẫn đăng ký nguyện vọng 3 vào các trường THPT ở huyện ngoại thành như Mê Linh, Ba Vì, Hoài Đức, Quốc Oai…
Đây là những trường nhiều năm qua đều có mức điểm chuẩn rất thấp và tâm lý của phụ huynh, học sinh cho rằng đăng ký nguyện vọng 3 vào đó để dù trượt cả 2 nguyện vọng ở khu vực nội thành thì vẫn có thể chắc chắn đỗ vào 1 trường THPT công lập ở ngoại thành, dù khả năng sẽ nhập học là không nhiều.
Ở khía cạnh khác, không ít phụ huynh cho biết, dù đỗ nguyện vọng 3 cũng không thể đi học xa nhà cách 30 - 40 km, nhưng nhiều trường và giáo viên chủ nhiệm ở lớp 9 vẫn động viên các con tận dụng nguyện vọng 3 để đăng ký vào một trường bất kỳ. Đây cũng là cách mà các trường THCS lấy "thành tích" khi báo cáo về tỷ lệ đỗ vào trường THPT công lập hàng năm.
Cách tính điểm chuẩn theo mỗi nguyện vọng như thế nào?
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Trong đó, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải đăng ký vào trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh hoặc bố, mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú; nguyện vọng 3 có thể đăng ký vào trường THPT thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ trên địa bàn Hà Nội.
Học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1 điểm.
Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 và 2 được xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2 điểm.
Khi hạ điểm chuẩn, các trường THPT công lập được phép nhận học sinh có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Năm học 2021 - 2022, Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng 19.000 so với năm ngoái.
Trong đó, khoảng 104.000 em có cơ hội tiếp tục bậc học THPT (77.000 chỉ tiêu công lập và 27.000 tư thục). Khoảng 25.000 em còn lại sẽ vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Bình luận (0)