Thấy gì từ câu chuyện ‘khai giảng Nguyệt Linh’ không thả bóng bay?

26/07/2019 20:06 GMT+7

Câu chuyện cô học sinh chuẩn bị vào lớp 6 Nguyễn Nguyệt Linh viết thư gửi hơn 40 thầy cô hiệu trưởng ở Hà Nội, mong muốn không thả bóng bay ngày khai giảng thật sự đã chạm tới trái tim của nhiều người.

Một cô bé, sắp bước vào lớp 6, yêu môi trường, luôn có ý thức lan toả tinh thần đó cho mọi người, đã xin phép người thầy dạy chụp ảnh của mình Lekima Hùng, để có thể lan toả thông điệp không thả bóng bay lên trời, "bay cao ước mơ của học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển” mà thầy từng chia sẻ, tới hơn 40 thầy cô hiệu trưởng của các trường học khắp Hà Nội.

Sự tự tin, dũng cảm của trò và sự tôn trọng của thầy

Thời điểm này, các trường học đang chuẩn bị cho học sinh bước vào năm học mới, và tất nhiên, lễ khai giảng cũng sẽ diễn ra. Mỗi năm, khắp Việt Nam có tới hàng nghìn, hàng triệu quả bóng bay được thả lên trời, đồng nghĩa với việc, sự sống của bao nhiêu sinh linh chim trời, cá biển bị đe doạ, tiền bạc bị lãng phí, đồng thời bóng bay bơm khí hydro còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Nguyệt Linh hiểu rõ những nguy cơ đó, cô bé tự tin, dũng cảm, muốn bày tỏ chính kiến của mình. Em tự đi tìm, xin địa chỉ email của hơn 40 thầy cô hiệu trưởng của các trường học, và bằng giọng văn trang trọng, chững chạc và cũng quyết đoán nhất, em đã thuyết phục nhiều thầy cô, để họ “gật đầu” với đề xuất khai giảng không thả bóng bay.
Chúng ta ngưỡng mộ, cảm phục sự dũng cảm, tự tin, sáng tạo của Nguyệt Linh, và trong câu chuyện này, tôi cũng vô cùng trân trọng thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang của Trường phổ thông Marie Curie Hà Nội, ngôi trường mà Nguyệt Linh đang theo học. Không chỉ đồng ý với Nguyệt Linh không thả bóng bay trong lễ khai giảng sắp tới, hồi đáp em bằng một lá thư đầy tin yêu, thầy Nguyễn Xuân Khang còn vô cùng tôn trọng cô học trò nhỏ của mình, bằng việc làm tôn vinh sự dũng cảm, ý tưởng sáng tạo của em, lễ khai giảng năm học mới của Trường phổ thông Marie Curie Hà Nội sẽ mang tên “Khai giảng Nguyệt Linh”.

Thầy Khang (bìa phải) người đồng ý tổ chức "khai giảng Nguyệt Linh"

T.N

Dám nói lên chính kiến của mình, thẳng thắn đề nghị những điều tốt đẹp với những người quản lý (ở đây là thầy hiệu trưởng) để tạo ra sự thay đổi tích cực là một điều không nhiều trẻ em dám nghĩ, và dám làm. Thật vui khi hôm nay, chúng tôi được đọc một bản tin về một Nguyệt Linh bản lĩnh. Nhưng, còn vui hơn, khi có những người lớn, như thầy Lekima Hùng, và thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang lắng nghe trẻ em nói, trân trọng tất cả những ý tưởng của các em và động viên, để các em cùng làm những điều tuyệt vời.

Tạo môi trường để trẻ tự do sáng tạo

Tương lai này là của trẻ em, trẻ em sẽ đổi thay thế giới, và kỹ năng lắng nghe trẻ em nói, một điều tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được và làm tốt. Từ gia đình, tới trường học, ngoài xã hội, tôi từng nhiều lần chứng kiến những cái chép miệng của không ít người thành đạt, có những vị thế trong xã hội khi họ cùng nhau cười đùa, bình luận về một ý tưởng nào đó của các em “chuyện trẻ con đó mà”, “mấy cái tầm phào của bọn con nít, để ý làm gì”. Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, nhà nghiên cứu giáo dục Bùi Trân Phượng thẳng thắn: “Con nít cũng là con người, biết suy nghĩ, biết lập luận, nêu chính kiến, cần sự tôn trọng. Và lắng nghe trẻ em, là một kỹ năng, cần phải học, của bất kỳ người lớn nào”.
Anh Hồ Nhật Hà, giáo viên dạy kỹ năng sống cho trẻ em tại TP.HCM, cười rất hạnh phúc với tôi, sau khi lắng nghe câu chuyện về cô bé Nguyệt Linh, người đã viết thư cho thầy hiệu trưởng, truyền cảm hứng về ngày khai giảng không thả bóng bay. Anh trao đổi: “Trẻ em tuyệt vời như thế đó, những ý tưởng của các em rất trong trẻo, sáng tạo và quá đỗi thông minh, một lúc nào đó, chính những người lớn như chúng ta lại ồ lên, tại sao mình lại không nghĩ ra được như em ấy? Lắng nghe trẻ em, cũng là một cách nuôi dưỡng giá trị chân thật trong mỗi em, để các em lớn lên, nó trở thành giá trị liêm chính, ngay thẳng. Một nền giáo dục đào tạo ra những con người chân thật, liêm chính, đó là nền giáo dục thành công, mà chúng ta luôn mong đợi”.
Và chiều nay, tin vui khai giảng không thả bóng bay đã lan toả tới TP.HCM. Một câu chuyện quá đẹp để chúng ta hiểu rằng, làm sao để lắng nghe trẻ em tốt nhất, tạo một môi trường cởi mở, để trẻ em có thể tự do bày tỏ những chính kiến, ý tưởng sáng tạo của mình, để chúng cảm thấy được trân trọng và luôn chào đón với những sáng kiến, chính là điều mà bất cứ nền giáo dục nào cũng đang hướng tới!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.