Theo ông, Mỹ đã thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình thông qua các chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao như thế nào?
Ông Grossman: Mỹ vẫn đang phát triển chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chính thức của mình, nhưng có thể thấy rõ ràng từ Chỉ dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của chính quyền Tổng thống Joe Biden là đội ngũ của ông Biden đang tiếp tục chính sách dưới thời ông Donald Trump với nhiều quyết tâm hơn để cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực.
Các chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhằm thực hiện mục tiêu này, phù hợp với châm ngôn của chính quyền Biden là “tăng cường liên minh và quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Ấn Độ rất quan trọng vì New Delhi là thành viên tham gia tứ giác an ninh QUAD và đối tác cùng chí hướng với Mỹ về hầu hết các thách thức, trực tiếp hay gián tiếp liên quan Trung Quốc. Trong khi đó, chuyến công du Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines nhằm củng cố mối quan hệ với Đông Nam Á, vốn là khu vực quan trọng để tăng cường ảnh hưởng.
Vậy các cam kết của Mỹ đối với khu vực là gì và Mỹ đang, sẽ làm gì để thực hiện các cam kết đó?
Ông Grossman: Mỹ đang cam kết đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, về cơ bản có nghĩa là ngăn Trung Quốc thống trị khu vực. Hiện chưa có gì hoàn toàn rõ ràng về kế hoạch cụ thể của chính quyền Biden để đạt được mục tiêu cốt lỗi này hơn là tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Chúng ta sẽ phải chờ thêm thông tin trong thời gian tới đây.
Ở Singapore, Bộ trưởng Lloyd Austin có đề cập khái niệm “ngăn chặn tích hợp”. Cách tiếp cận này có khác gì so với trước đây?
Ông Grossman: Hiện vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về ngăn chặn tích hợp, nhưng có vẻ như rằng chính quyền Biden có kế hoạch không chỉ triển khai lực lượng quốc phòng cho các hoạt động ngăn chặn mà còn mang cả các biện pháp ngoại giao kinh tế để răn đe và cưỡng chế hành vi của đối thủ nữa.
Về cơ bản đây là cách tiếp cận “toàn bộ chính phủ”. Tuy nhiên, nhiều chi tiết vẫn cần được giải quyết trước khi bất kỳ ai có thể đưa ra đánh giá về nội dung và hiệu quả của nó.
Theo ông, vai trò và vị thế của Đông Nam Á trong chiến lược và chính sách của Mỹ như thế nào?
Ông Grossman: Đông Nam Á rõ ràng giữ vai trò và vị thế quan trọng đối với Mỹ, đánh giá từ chuyến thăm gần đây của các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Bộ Ngoại giao, và chuyến công du dự kiến của Phó tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Blinken vào tháng 8 tới.
Tuy nhiên, chính quyền Biden chỉ giờ đây mới bắt đầu cuộc chơi ở Đông Nam Á. Gần 6 tháng qua, rất ít động thái của Mỹ được tiến hành, mà thật ra là đến giờ. Tổng thống Biden đến nay vẫn chưa trực tiếp điện đàm với nhà lãnh đạo nào ở Đông Nam Á, trong khi đã mời Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc tới Nhà Trắng.
Do vậy, rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm để nâng tầm quan trọng của Đông Nam Á trong nghị trình chính sách đối ngoại của chính quyền Biden.
Bình luận (0)