Thấy gì từ đại án VNCB?

25/12/2018 06:00 GMT+7

Hôm nay (25.12), TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ tuyên án phúc thẩm đại án VNCB giai đoạn 2. Đây cũng là giai đoạn cuối cùng, kết thúc đại án VNCB đối với Phạm Công Danh và đồng phạm.

Liên quan đến đại án VNCB giai đoạn 1 và giai đoạn 2, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định Phạm Công Danh và đồng phạm thực hiện hàng loạt hành vi cố ý làm trái, vi phạm các quy định cho vay, gây thiệt hại hơn 15.000 tỉ đồng cho Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB, tiền thân là Trustbank, nay là CB Bank).
Vụ này này sau đó được tách ra làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 xét xử Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng, đã được xét xử vào năm 2016 và giai đoạn 2 sẽ được tuyên án vào ngày mai.
Về hành vi phạm tội, Phạm Công Danh và đồng phạm đều thừa nhận hành vi phạm tội. Vấn đề của vụ án là làm sao để thu hồi, khắc phục toàn bộ hậu quả cho vụ án.

Tham gia tái cơ cấu nhưng chưa hiểu gì về ngân hàng

Phạm Công Danh được biết đến là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh, là đại gia trong giới bất động sản, với tổng tài sản 3.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 1.200 tỉ đồng.
Với tham vọng lấn sân vào lĩnh vực ngân hàng nên Phạm Công Danh tham gia nhận chuyển nhượng, tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, sau này Danh đổi thành VNCB) từ nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn.
Qua đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2013 thì tổng nợ của TrustBank chưa thu hồi từ nhóm Hứa Thị Phấn là khoảng 4.500 tỉ đồng, nhóm Công ty Phương Trang là hơn 9.500 tỉ đồng.
Quá trình chuyển nhượng cổ phần, các bên thỏa thuận Danh thực hiện nghĩa vụ tất toán hơn 4.600 tỉ đồng, là khoản nợ của nhóm bà Phấn tại Trustbank và Danh sẽ nhận được 114 bất động sản được thế chấp.
Với suy nghĩ khi nhận 114 bất động sản thế chấp, Danh sẽ bán các tài sản này, dùng tiền tái cơ cấu TrustBank.
Tuy nhiên, khi chuyển trả 3.658 tỉ đồng vào TrustBank nhưng đến nay Danh không nhận được bất động sản nào của Hứa Thị Phấn và thực tế giá trị các tài sản của Hứa Thị Phấn đa số đều được nâng khống.
Các hành vi vi phạm của Hứa Thị Phấn cũng được tách ra và xử lý ở một giai đoạn khác.

Hậu quả vụ án được thu hồi, khắc phục như thế nào?

Danh thực hiện nhiều hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền của VNCB nhưng được xác định không sử dụng tiền vào mục đích cá nhân, mà chủ yếu chi chăm sóc khách hàng nhằm đảm bảo cho việc tái cơ cấu ngân hàng, tăng thanh khoản của VNCB, và nhằm trả nợ một số khoản khác của Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
Ở giai đoạn 1 của vụ án, Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng, HĐXX đã tuyên thu hồi 5.190 tỉ đồng từ ông Trần Quí Thanh (tập đoàn Tân Hiệp Phát) và nhiều khoản khác để khắc phục hậu quả cho vụ án.
giai đoạn 2 của vụ án, với thiệt hại hơn 6.126,8 tỉ đồng, HĐXX cấp sơ thẩm cũng tuyên thu hồi đa số thiệt hại xảy ra. Số còn lại khoảng 1.000 tỉ đồng sẽ do Danh chịu trách nhiệm trả lại cho CB Bank.
Để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường còn lại cho CB, Danh cũng đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên thu hồi thêm nhiều khoản khác nhằm khắc phục toàn bộ hậu quả cho vụ án, gồm 3.658 tỉ đồng từ CB Bank, 2.700 tỉ đồng từ ông Trần Quí Thanh…
Liên quan đến vụ án này, Phạm Công Danh và các đồng phạm cho rằng quá trình xét xử vụ án, các bị cáo có cùng hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho VNCB, nhưng vụ án được tách ra và xét xử ở hai giai đoạn, sau đó tổng hợp hình phạt là bất lợi cho các bị cáo.
Tất cả những vấn đề liên quan đến thu hồi, khắc phục hậu quả vụ án ra sao hay việc tách vụ án, tổng hợp hình phạt có bất lợi cho các bị cáo hay không sẽ được HĐXX cấp phúc thẩm nhận định vào nội dung tuyên án hôm nay (25.12).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.