Xe

Thấy gì từ hợp tác quốc phòng an ninh Việt - Mỹ?

02/08/2020 22:28 GMT+7

Nhìn lại quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong vòng ¼ thế kỷ qua, nhiều người đánh giá đây là bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, nếu nhìn cụ thể vào khía cạnh hợp tác an ninh quốc phòng , có nhiều điều cần phải suy ngẫm.

Tháng 7 là tháng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ với hàng loạt hoạt động tương đối sôi nổi. Không thể phủ nhận lòng tin giữa hai nước trong thời gian qua đã được nâng lên một mức độ cao hơn nhiều so với khoảng thời gian trước và ngay sau bình thường hoá quan hệ ngoại giao năm 1995.
Khởi động từ các hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích và xác định danh tính hài cốt quân nhân ở Việt Nam, hợp tác an ninh quốc phòng Việt – Mỹ cho tới nay đã mở rộng ra các lĩnh vực khác cụ thể và sâu rộng hơn. Đây là điều mà nhiều quan chức ở cả hai nước cảm thán là “không thể tưởng tượng được”, nếu xét tới mối quan hệ thù địch giữa hai bên trong chiến tranh.
Bước ngoặt trong hợp tác an ninh quốc phòng Việt - Mỹ chính là sự kiện vào năm 2016, Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam. Sự kiện này chính thức xoá bỏ rào cản chính sách cuối cùng kìm hãm lực đẩy quan hệ song phương, mở ra thêm nhiều lựa chọn hợp tác cho cả hai bên.

Hợp tác cụ thể và sâu rộng hơn

Kể từ năm 2016, cả Việt Nam và Mỹ đã cố gắng kết nối lợi ích chung nhằm nâng tầm quan hệ an ninh quốc phòng. Bản báo cáo được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 27.7 vừa qua đã điểm lại chi tiết hàng loạt danh mục hợp tác cụ thể giữa hai nước. Có thể kể đến chuyến thăm lần đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam năm 2018, và chuyến thăm lần thứ 2 sau đó 2 năm; việc Việt Nam tham gia vào Sáng kiến Chiến dịch Hoà bình toàn cầu của Mỹ hay sự kiện hải quân Việt Nam lần đầu tiên tham dự tập trận Vành đai Thái Bình Dương năm 2018.
Quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai bên còn được thể hiện cụ thể và chi tiết thông qua các khoản hỗ trợ và cho vay của Mỹ nhằm tăng cường nhận thức và năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam. Từ tài khoá 2016 cho tới 2019, thông qua chương trình Bán hàng Thương mại Trực tiếp, Mỹ xuất qua Việt Nam 52,86 triệu USD thiết bị quân sự. Top 3 gồm các thiết bị kiểm soát dẫn đường, laser, hình ảnh, dẫn đường; các thiết bị điện tử quân sự; động cơ tua-bin khí và các thiết bị liên quan.
Cũng trong khoảng thời gian trên, thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 150 triệu USD để tiếp nhận chuyển giao 2 tàu cảnh sát biển và 24 tàu tuần tra cao tốc, tăng cường năng lực nhân thức hàng hải (MDA) trong đó có huấn luyện vận hành máy bay tuần thám, hỗ trợ vận hành các thiết bị không người lái, đài ra-đa ven biển, và các chương trình huấn luyện khác.
Cải thiện MDA dường như là một trong những trọng tâm trong quan hệ an ninh hàng hải giữa hai nước, khi Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam tổng cộng 30 triệu USD thông qua các sáng kiến an ninh khu vực như Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á hay Sáng kiến An ninh Hàng hải Ấn Độ-Thái Bình Dương. Một chương trình đáng chú ý khác chính là việc Mỹ đã chấp nhận đào tào một số phi công quân sự cho Việt Nam, bước đi được xem là cột mốc mới trong quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai nước.

Triển vọng nào cho tương lai?

Nhiều nhà quan sát cho rằng tốc độ phát triển quan hệ an ninh và quốc phòng Việt - Mỹ trong 25 năm vừa qua là tương đối nhanh chóng. Mối quan hệ này được đẩy mạnh trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây.  Một phần không nhỏ từ tác động của yếu tố Trung Quốc, khi lợi ích an ninh của Việt Nam và Mỹ trên Biển Đông và tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hành động hung hăng và coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.
Nền tảng lợi ích chung đã có, tuy nhiên câu hỏi đặt ra ở đây là dựa trên nền tảng này, quan hệ an ninh quốc phòng Việt-Mỹ trong thời gian tới sẽ đi với tốc độ như thế nào, và mở rộng ra thêm các lĩnh vực nào nữa?
Nhanh hay chậm trong tương lai? Để trả lời cho câu hỏi này thì cần phải xem xét tới nhiều yếu tố đẩy và kéo khác nhau, trong đó lợi ích quốc gia phải đứng hàng đầu. Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh việc tạo dựng niềm tin và xoá bỏ các bất đồng giữa hai bên, kéo các giá trị chung của hai nước xích lại gần nhau.
Đẩy mối quan hệ đi quá nhanh sẽ khiến Việt Nam rơi vào “cái bẫy” cạnh tranh nước lớn và tạo thế khó cho cân bằng chiến lược. Tuy nhiên đi qua chậm sẽ khiến Việt Nam bỏ lỡ một số cơ hội hợp tác, và cải thiện năng lực của mình. Cũng cần phải thừa nhận thêm một thực tế rằng, muốn nhanh hay chậm không phải chỉ nằm ở phía Việt Nam. 
Khi mức độ thực chất gia tăng, dư địa hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước cũng sẽ gia tăng theo. Các nhà làm chính sách ở cả hai nước, nhất là Việt Nam, cần chủ động đẩy mức độ thực chất trong quan hệ lên một tầm mức cao hơn thông qua các sáng kiến an ninh sáng tạo hơn, phù hợp với tình hình chiến lược thực tế. Ví dụ, các chuyến thăm viếng lẫn nhau giữa hai quân hai bên có thể được tiến hành với tần suất cao hơn, việc mua sắm vũ khí có thể được mở rộng sang những danh mục mới phù hợp với yêu cầu của Việt Nam, hay thậm chí cả hai bên có thể cùng nhau xây dựng một mạng lưới an ninh biển đa phương với trọng tâm là các lực lượng bảo vệ pháp luật hàng hải dân sự. Sự chủ động ở đây cần tới từ cả hai phía.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.