Bonsai sanh là cây kiểng giúp anh Đại Thụ kiếm thêm thu nhập cao |
nvcc |
Dù được gia đình định hướng học ngành sư phạm âm nhạc nhưng anh Nguyễn Đại Thụ (26 tuổi, Hà Nội) lại khởi nghiệp với bonsai cây sanh (gọi tắt bonsai sanh).
Từng bị cha ngăn cấm
Đại Thụ chia sẻ anh có niềm đam mê với cây kiểng ngay từ khi còn bé và muốn trở thành một người chăm sóc và kinh doanh kiểng giỏi.
"Tuy nhiên, gia đình ngăn cấm, muốn tôi trở thành một thầy giáo âm nhạc đứng trên bục giảng. Bố mẹ đã đầu tư cho tôi học đàn ghi ta từ năm lớp 6. Những năm tháng tuổi thơ, tôi chỉ biết đến đàn và đàn…”, Đại Thụ bộc bạch.
Đến năm 2019, anh Thụ tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương Hà Nội và anh dạy môn âm nhạc tại một số trường. “Mức lương không cao, áp lực kinh tế đè nặng nên tôi đã xin nghỉ dạy. Tôi về nhà tập trung buôn bán nhạc cụ, mở thêm các lớp dạy đàn. Ngoài ra, tôi còn dành thời gian để ngắm cây, xem người khác làm kiểng, tìm hiểu kiến thức về bonsai thêm trên mạng và sách báo", Đại Thụ kể.
Ngoài kinh doanh kiểng, anh Thụ còn kiếm thêm thu nhập từ dạy và buôn đàn |
nvcc |
Anh Thụ chăm sóc bonsai |
nvcc |
Từ đó, anh Thụ bắt đầu mua những cây nhỏ hay đi đường gặp cây nào người ta bỏ đi là anh nhặt về trồng, uốn nắn.
Tuy nhiên, bố lại ngăn cấm, phản đối anh một cách quyết liệt vì ông cho rằng nghề này vất vả, nặng nhọc. “Thời gian ấy tôi phải chịu sự giày vò, mắng chửi từ bố”, anh Thụ kể.
Bonsai sanh tuyệt đẹp |
nvcc |
Thời gian đầu, anh Thụ phải lén bố đăng bán cây trên mạng |
nvcc |
Không bỏ cuộc
Nhận thấy cơn giận của bố lắng xuống, anh Thụ tiếp tục sưu tầm và tạo ra hàng trăm cây bonsai nhỏ để bàn rồi đăng bán thử lên mạng xã hội. “Nhờ vậy, nhiều người biết đến tôi và đặt hàng mua bonsai. Hầu như tôi đăng cây nào bán được cây đó, cũng nhờ thế mà bố không còn khó chịu nữa", anh Thụ kể.
Sau khi tích lũy được một số vốn, anh Thụ phát triển thêm cây bonsai to, giá trị cao, trong đó tập trung chủ đạo là bonsai sanh. Theo anh Thụ, dòng kiểng này được ưa chuộng và đa dạng dáng thế, có nhiều dòng như: sanh quê Nam Định, Tích Giang, Nam Điền và vùng miền khác nhau.
Khu vườn bonsai của anh Thụ |
nvcc |
Bonsai sanh dáng độc đáo |
nvcc |
Đại Thụ cho hay thời gian đầu trồng bonsai sanh, anh gặp vô vàn khó khăn, bản thân cũng mất tiền mua phôi về ươm nhưng bị chết. Anh chia sẻ, để tạo ra một kiểng sanh đẹp trước tiên phải chọn được một phôi có hướng đi đẹp, cũng như bộ rễ thật khỏe.
Anh Thụ có niềm đam mê với kiểng |
nvcc |
“Từ một cây phôi đang phát triển, tôi dùng kéo cắt thu đầu rễ lại, rồi ngâm nó với thuốc kích rễ khoảng 2 giờ. Người trồng hãy dùng chậu xi măng, cho đất trộn với xỉ than rồi mới đặt cây lên. Sau đó, phủ một lớp xỉ than mỏng, trộn xơ dừa được tẩm với thuốc kích rễ. Rồi dùng ni lông che cây lại, để vào chỗ mát. Không được để rễ dính nước mưa", anh Thu chia sẻ cách chăm sóc rễ bonsai.
Anh Thụ nói thêm: "Sau khi rễ khoẻ, mầm bắt đầu to, tôi đem cây ra ngoài nắng để nó phát triển thêm tay cành. Bên cạnh đó, việc chọn mầm để cắt tỉa phải đúng vị trí theo từng dáng, nếu chọn sai, cây sau này giá trị không cao và người trồng phải làm lại, rất mất thời gian".
Theo Thụ, bonsai giá trị càng cao thì thời gian trồng, chăm sóc càng lâu |
nvcc |
Đến nay, Đại Thụ sở hữu khoảng 300 bonsai sanh bao gồm phôi và cây hoàn thiện, đa dạng về hình dáng như trực, hoành, song thụ, thác đổ... có giá trị từ vài trăm ngàn đồng đến trăm triệu đồng.
"Tôi kiếm thêm được tiền triệu mỗi tháng nhờ bán hàng chục bonsai sanh từ phôi đến thành phẩm, đỉnh điểm có tháng tôi còn thu về 100 triệu đồng. Nhờ thế, cuộc sống của tôi đã ổn định, bản thân có động lực làm nhiều tác phẩm tốt và giá trị cao hơn”, anh Thụ bộc bạch.
Đại Thụ thường tưới nước cho bonsai vào sáng sớm và chiều tối |
nvcc |
Những chi cành phải được phát triển theo lề lối |
nvcc |
Anh Thụ tạo dáng bonsai sanh theo cách riêng |
nvcc |
Theo anh Thụ, để bonsai sanh hút khách và có giá trị cao, người trồng phải tự tạo điểm riêng cho cây, không nên bắt chước cách tạo dáng kiểng của người khác. Đồng thời, bonsai phải có độ già hóa u cục, dị dáng và chiều sâu...
Bình luận (0)