Ngày 24.7, giữa những tin tức chấn động về gian lận thi cử diễn ra tại Sơn La, Hà Giang, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, hiện đang là giáo viên Trường THPT Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên những suy nghĩ của cá nhân ông.
Nên để trường đại học tổ chức coi thi, chấm thi
“Tôi cảm thấy rất buồn. Nếu trước đây, các sai phạm thi cử do các hiệu trưởng, giáo viên trong nhà trường tiếp tay, thì bây giờ, vấn đề có sự tham gia của lãnh đạo Sở ngành. Sự gian dối có quy mô, tổ chức đến mức không thể tưởng tượng được”, thầy Đỗ Việt Khoa nói.
“Tôi đã tố cáo gian lận thi cử ở Trường THPT Phú Xuyên A năm 2006 và trong 12 năm qua, tiêu cực thi cử hàng năm vẫn cứ diễn ra. Sau đó là vụ Đồi Ngô, Bắc Giang; vụ ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình gây chấn động và bây giờ tiếp tục là Hà Giang, Sơn La… ”, ông Khoa nói tiếp.
Thầy giáo 50 tuổi hiện đang là giáo viên địa lý tại Trường THPT Thường Tín, cho rằng: “Không thể giao hết việc tổ chức kỳ thi, coi thi, chấm thi cho địa phương như hiện nay, nó sẽ phát sinh tiêu cực, gian lận. Bộ nên ra đề thi chung, nhưng nên để trường đại học tổ chức coi thi, chấm thi như vậy mới tuyển đúng được người tài”.
Thầy Khoa cũng cho rằng, cần xử lý nghiêm minh những địa phương, cá nhân sai phạm, kỷ luật đúng người đã phá hoại niềm tin vào ngành giáo dục, có sức răn đe với xã hội.
'Tôi thấy tâm mình thanh thản'
Ở tuổi 50, ngoài giờ đứng trên bục giảng, thầy giáo Đỗ Việt Khoa hiện vẫn đang làm đủ thứ nghề từ phụ quán ăn, bán hàng nước, sửa chữa máy tính ở huyện Thường Tín để có tiền trang trải cuộc sống. Khó khăn càng chất chồng lên đôi vai người đàn ông đầu hai thứ tóc, khi ông đang phải gánh món nợ lớn khi vài năm trước đã vay trả góp ngân hàng 1,5 tỉ đồng trả góp để xây lại căn nhà tuềnh toàng, xuống cấp. Thầy Khoa kiên quyết, dù cả lương, cả trợ cấp ông có khoảng hơn 7 triệu đồng, ông làm tất cả những việc lương thiện để có tiền trả nợ, nuôi vợ con nhưng không dạy thêm. Đến nay, món nợ còn hơn 1,2 tỉ đồng.
|
Căn nhà đã xong, vợ thầy Khoa lại mang đủ thứ bệnh như vôi hóa đốt sống cổ, hở van tim, không có sức lao động. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là những bi kịch lớn nhất với người thầy từng không ngán cảnh một mình chống lại những chiêu gian dối trong giáo dục. Mới đây, vợ thầy Khoa một mực đòi ly hôn chồng, một phần vì quá mệt mỏi trong cuộc sống bệnh tật, túng quẫn về tiền bạc. Phần khác, do những sóng gió từ khi thầy Khoa lên tiếng chống gian lận ở Phú Xuyên A 12 năm trước vẫn ám ảnh. Suốt một thời gian dài, từ năm 2006, gia đình thầy Khoa thường xuyên nhận được gạch đá ném vào nhà cùng những lá thư đe dọa với những lời lẽ chửi bới, miệt thị, dọa giết…
Nếu được chọn lựa lại, thầy có lên tiếng vụ gian lận năm 2006 ở Trường THPT Phú Xuyên A nữa không? Chúng tôi hỏi thầy Khoa. Người đàn ông cương nghị: “Bản chất con người tôi vẫn vậy, thấy chuyện bất bình không tha. Tôi sẽ vẫn lên tiếng, không bỏ qua, dù biết kết quả của mình thế nào. Những năm qua, nhiều phụ huynh, học sinh nhiều tỉnh thành từ Thái Bình, Đăk Lăk, Bến Tre.. viết thư cho tôi cầu cứu, họ mong tôi lên tiếng cùng những vụ tiêu cực xảy ra ở địa phương, tôi đều cố gắng trong sức của mình xem có thể giúp được điều gì. Sau tất cả, tôi thấy tâm mình thanh thản”.
Ngày 2.6.2006, thầy Đỗ Việt Khoa một mình đứng ra quay video làm bằng chứng tố cáo hiện tượng tiêu cực tại Trường THPT Phú Xuyên A, thấy rõ hình ảnh giáo viên bỏ vị trí coi thi, nhân viên phục vụ thi giải bài cho thí sinh...
Sau khi công bố danh tính, bằng chứng cho báo chí, hàng loạt các tờ báo Việt Nam vào cuộc. Sau đó, phong trào Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử được phát động mạnh mẽ trong ngành giáo dục. Giữa tháng 7.2006, thầy Đỗ Việt Khoa được mời tham gia chương trình Người đương thời của VTV, ông cũng được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo về thành tích dũng cảm chống tiêu cực thi cử.
|
Bình luận (0)