Thầy giáo Công và tiệm quần áo không đồng

05/03/2018 09:14 GMT+7

Với mong muốn góp phần chia sẻ khó khăn với người nghèo, thầy Dương Chí Công (47 tuổi), giáo viên Trường tiểu học A Vĩnh Trạch (H.Thoại Sơn, An Giang) đã bỏ hàng chục triệu đồng làm cửa hàng áo, quần từ thiện...

Cửa hàng nằm ngay mặt tiền tỉnh lộ 943, thuộc ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Khánh, H.Thoại Sơn, mở cửa tất cả các ngày trong tuần, phục vụ từ sáng sớm đến 21 giờ nhằm tạo điều kiện cho người lao động, học sinh có thời gian vào chọn lựa. Chủ quầy hàng rất hào phóng, ai muốn vào lựa bao nhiêu bộ quần áo, giày dép tùy thích vì chủ không giới hạn số lượng.
Thầy Công kể do có quen với nhiều người nấu cơm từ thiện ở TP.Long Xuyên (An Giang) nên vào ngày rằm thầy thường ra Long Xuyên lãnh hàng trăm phần cơm chay về phát miễn phí cho người nghèo, người già neo đơn trong xã. Những lúc ấy, thấy nhiều người tết đến thiếu áo quần mới nên thầy quyết định mở cửa hàng không đồng giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo.
Từ mối quan hệ bên ngoài xã hội và với đồng nghiệp, thầy Công đã gặp gỡ bạn bè, người thân vận động ai có quần áo không mặc vừa hoặc mới mặc qua vài lần đem tặng lại cho người nghèo. Rất nhiều người ủng hộ mang quần áo, giày dép, nón, túi xách… chất lượng còn tốt đến tặng.
Tháng 11.2017, khi thấy đồ đạc đã kha khá, có thể phục vụ dài lâu, thầy Công khai trương cửa hàng. Thầy chia sẻ: “Quần áo tôi treo trên các giá đồ, giày dép, túi xách, nón để trong tủ, trên kệ rất ngăn nắp, cửa hàng này không có người phục vụ hay đứng canh chừng vì tôi muốn người dân vào thoải mái lựa chọn, thử đồ và xem đây như cửa hàng của chính nhà họ”.
Qua mấy tháng hoạt động, nhiều nhà hảo tâm ở TP.HCM và các tỉnh khác hay tin đã liên hệ thầy Công gửi rất nhiều quần áo cho cửa hàng. Khách đến chọn đồ hầu hết là người nghèo, người chạy xe ôm, người bán vé số, người làm công, trẻ em và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài huyện.
Bà Nguyễn Thị Yến, sống bằng nghề bán vé số ở xã Tân Tuyến (H.Tri Tôn, An Giang) nghe người dân kháo nhau về cửa hàng từ thiện này nên có dịp đi ngang bà đã vào chọn vài bộ quần áo. “Đến cửa hàng, thấy không ai trông coi nên tôi ngại ngần không dám bước vào xin quần áo, giày dép cho con. Bất ngờ thầy Công bước tới kêu tôi cứ vào lựa bao nhiêu quần áo tùy thích nên tôi vui lắm”, bà Yến nói.
Theo thầy Công, bà con đến cửa hàng chọn quần áo, giày dép, túi xách ưng ý, lấy bao nhiêu cũng được nhưng thầy không đồng tình với một số trẻ em tới lựa rất nhiều áo quần người lớn bỏ vào túi đem về nhà. Những lúc ấy, thầy ra nhẹ nhàng nói: “Các em nên mời người lớn tới lựa, thấy hợp bộ nào thì lấy, chứ nếu cứ mang về nhà như thế, người thân mặc không vừa hoặc không ưng ý rồi đem bỏ sẽ rất lãng phí trong khi nhiều người đang cần quần áo để mặc…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.