'Thầy giáo Đàn gà con': Thích nghề giáo từ những bài thơ của nội

19/11/2017 11:02 GMT+7

'Ông nội tôi là giáo viên môn văn. Ông đã cho tôi thấy làm một người thầy phải như thế nào, từ những bài thơ ông viết, từ cách hướng dẫn tôi làm văn..., và tôi đã thích nghề giáo từ hồi đó', thầy Nguyễn Duy Nhất chia sẻ.


‘Thầy giáo Đàn gà con’, ‘Thầy giáo của năm’, ‘Thầy giáo chất nhất quả đất’… là những lời khen tặng của nhiều người dành cho thầy giáo trẻ Nguyễn Duy Nhất (27 tuổi), đang dạy tại Trường tiểu học Đông Thái (Hà Nội) khi các clip dạy học sinh động của thầy được đăng trên mạng xã hội.
Sau khi clip ghi lại cảnh thầy Nhất minh họa sinh động bằng cách múa theo nhạc bài Đàn gà con được đưa lên mạng, nhanh chóng clip nhận được hàng chục ngàn người xem, bình luận và chia sẻ. Tiếp đó, thầy lại gây ‘bão’ mạng với các clip tương tự như Bố ơi mình đi đâu thếQuê hương tươi đẹpLý cây xanh… khiến các em học sinh thích thú múa theo.
Theo chia sẻ của thầy Nhất thì những hình ảnh trên là công việc thường ngày của thầy và không có gì lạ cả.
Vậy đó có phải là cách giảng dạy của thầy?
- Thầy Nguyễn Duy Nhất: Việc tôi lên lớp với các bài nhảy múa như trong clip mọi người đã thấy là công việc rất bình thường của một giáo viên âm nhạc. Tôi luôn lựa chọn cách lên lớp sao cho vui nhộn nhất có thể, đó cũng có thể coi là một trong những phương pháp giảng dạy của tôi. Tôi chỉ cố gắng làm sao cho sinh động hơn một chút thôi, không có gì quá đặc biệt.
Vì sao thầy chọn nghề giáo, nhất là giáo viên dạy nhạc?
- Lý do tôi lựa chọn nghề giáo xuất phát từ sự ham thích từ nhỏ, khi đó ông nội tôi là giáo viên môn văn. Ông đã cho tôi thấy làm một người thầy phải như thế nào, từ những bài thơ ông viết, từ cách hướng dẫn tôi làm văn..., và tôi đã thích nghề giáo từ hồi đó.
Trở thành một giáo viên âm nhạc trước hết là khả năng, năng khiếu của bản thân cho phép tôi học và theo nghề. Và hơn hết, khi được phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc với tôi là một niềm vui rất lớn. Nhìn thấy những nụ cười, ánh mắt hồ hởi của các bé giúp tôi thêm yêu nghề, quyết tâm gắn bó.
Thầy Nhất 'tự sướng' cùng học trò trong một buổi biểu diễn văn nghệ NVCC
Theo thầy, vị thế người thầy thời nay có khác thời xưa?
- Theo tôi, vị thế của người thầy xưa và nay không thay đổi nhiều. Cái nhiều thay đổi là cách tiếp cận tri thức của người học đã chủ động hơn. Bên cạnh đó, thái độ của xã hội đối với những người dạy học cũng khắt khe hơn, điều này vừa là động lực để giáo viên phấn đấu, vừa là áp lực với công việc đào tạo con người...
Nhà giáo nào để lại nhiều ấn tượng trong thầy?
- Một trong những người thầy để lại trong tôi nhiều cảm xúc là cố nhà giáo Văn Như Cương. Với tôi ông là một tấm gương về đạo đức làm nghề, sự chính trực và tâm huyết. Bên cạnh đó còn có rất nhiều đồng nghiệp thật đáng quý mến mà tôi cần học tập nữa.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin chúc thầy thật nhiều sức khỏe, yêu nghề, yêu trẻ và thành công!
Bạn đọc có kỷ niệm đẹp, câu chuyện xúc động nào về người thầy của mình... có thể gửi đến chuyên mục Giáo dục của Báo Thanh Niên tại địa chỉ email: [email protected]. Chúng tôi sẽ biên tập và đăng tải trên Báo Thanh Niên. Bài viết được đăng sẽ có nhuận bút. Xin trân trọng cảm ơn!
Cảm ơn cô, người đã truyền cảm hứng cho tôi niềm đam mê văn học - ảnh 5
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.