Vừa qua khắp các các trang mạng xã hội đang “sốt” với hình ảnh những dòng chữ động viên trên hộp cơm như “chả mực ăn hết bực”, “phần cơm may mắn, ăn vào phấn chấn” hay đến những câu thơ hài hước không kém phần duyên dáng “yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng… giao cơm”, “hôm nay ăn món gà chiên. Tự nhiên mình thấy mình duyên quá trời”… Hiện tại các bức ảnh này được cộng động mạng “share” liên tục với hàng ngàn lượt yêu thích, thả tim.
Những lời bình, cách gieo vần, làm thơ trên mỗi hộp cơm đang khiến nhiều người thích thú là của thầy giáo 8x Phạm Phúc Lợi, giảng viên doanh nghiệp của Khoa Du lịch - Việt Nam học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM.
|
Một lời động viên rất lớn
Gần 1 tháng nay, thầy giáo 8x này đã cùng với nhiều thầy, cô cùng khoa với mình nấu hàng trăm suất cơm gửi đến nhiều F0 trong bệnh viện dã chiến, các tuyến đầu chống dịch tại địa phương (Q.12,TP.HCM).
Để động viên, khích lệ tinh thần cho các đối tượng trên, thầy Lợi đã tô điểm lên trên những hộp cơm là những dòng chữ động viên, hay câu thơ vui nhộn. Bên cạnh tình cảm ấy, luôn luôn có những họa tiết như trái tim,bóng bóng, đóa hoa… vô cùng xinh xắn và dễ thương.
|
|
Thầy Lợi chia sẻ trước khi giao cơm, thầy tranh thủ buổi trưa không nghỉ ngơi để viết những dòng động viên, khích lệ tinh thần đến cho mọi người. “Mỗi ngày phát 300 phần cơm, tôi viết khoảng 20 - 30 câu ngẫu nhiên được phân loại trong từng chiếc túi lớn. Mỗi túi 20 phần, trong đó có ít nhất hai hộp có lời chúc”, thầy nói.
Khi nhận những thông điệp trên hộp cơm, nhiều người đã cảm ơn và xúc động. Từ những sự chân thành đó, thầy Lợi nhận ra “của cho không bằng cách cho” chỉ cần thêm một chút xíu sự quan tâm chia sẻ với họ thôi thì cũng là một lời động viên rất lớn đối những người nhiễm Covid-19 hay đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.
|
“Đọc được những dòng chia sẻ của mọi người tôi thấy một giá trị lạc quan trong khi giai đoạn này đang rất cần thiết để giúp cho những người bệnh nhân F0, những người trong tuyến đầu phòng chống dịch có một tinh thần lớn để vực dậy chiến đấu. Dù chỉ có một hộp cơm nhưng ở đó chứa đựng giá trị tinh thần lạc quan rất lớn, đó là thứ làm cho chúng ta mạnh mẽ vượt qua được bệnh tật”, thầy giáo 8x nói.
|
Rồi thầy giáo 8x còn cho hay viết những điều vui vẻ trước, đôi khi có phần nghịch ngợm nhưng chừng mực sau đó mới là những thông điệp được gửi gắm vào như “đừng khiến tim tôi tan nát, khi ăn mà vứt rác lung tung” hay “cơm ngon không chua không chát, ăn cơm rồi nhớ để rác đúng nơi!”... Những thông điệp này giúp người ta vì cộng đồng vì xã hội hơn.
|
|
Bên cạnh đó, thấy bếp thiếu lực lượng nấu, thầy đã “kéo” thêm 7 thành viên trong gia đình để cùng hỗ trợ mọi người. Hiện tại, thầy Lợi và người nhà đã “đóng quân” tại trường cùng thầy, cô có chung niềm đam mê làm thiện nguyện với mình để đảm bảo sức khỏe, cũng như nâng cao chất lượng những phần cơm trao đi. “Trong thời kỳ đại dịch này có nhiều khó khăn nhưng tại gian bếp này tôi cảm nhận được nhiều cái giá trị tinh thần và nhìn lại cuộc sống tích cực hơn”, thầy giáo nói.
“Giúp Sài Gòn mau khỏe”
Cô Phan Thị Ngàn, công tác tại Khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM là người đồng sáng lập “bếp yêu thương” mà thầy Phúc Lợi là thành viên trong này cho hay bếp hoạt động hơn 2 tháng nay. Lúc đầu mọi người hỗ trợ lương thực cho sinh viên của trường gặp khó khăn vì dịch. Sau khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16 thì quay sang hỗ trợ cho người vô gia cư và người nghèo. Tuy nhiên, nhờ chính sách hỗ trợ của thành phố họ đã được chăm lo an sinh nên bếp chuyển đối tượng phục vụ đến các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các F0 trong bệnh viện dã chiến Thu Dung ở Q.Gò Vấp, bệnh viện dã chiến số 7.
|
|
“Bếp hoạt động cũng hơn 2 tháng rồi. Lúc đầu nấu 200 suất sau đó tăng lên 300-350 suất mỗi ngày. Nguồn tài trợ chính từ các mạnh thường quân. Hiện tại bếp có 10 thành viên tham gia gồm thầy, cô trong khoa và người thân. Khoảng 8 giờ sáng là gian bếp bắt đầu rực lửa, đến chiều tầm 16 giờ là nấu xong sẽ có người đến nhận di chuyển đến các bệnh viện giả chiến, tuyến đầu”, cô Ngàn nói.
|
Cô Ngàn còn kể lại: “Lúc đầu thấy một người bạn cũng là giảng viên doanh nghiệp của khoa mỗi ngày nấu 30 suất cơm đi phát cho người vô gia cư khiến tôi chạnh lòng lắm. Vì cơ sở nơi công tác có cái bếp chuẩn chất lượng, nếu nấu thì được cả ngàn suất ăn. Có điều kiện như thế sao mình không làm gì đó để giúp mọi người? Nên tôi bàn với thầy, cô cùng khoa thế là những suất cơm được ra đời”.
|
“Hồi đó mọi người cầm bút, phấn giờ cầm nồi, chảo... Những ngày đầu chúng tôi không tránh khỏi sốc vì vất vả. Trong khi đó, các thầy cô còn phải dạy học trực tuyến nên chia nhau ra làm. Ai có lớp thì lên dạy, ai rảnh thì tranh thủ xuống bếp cùng nhau nấu. Các thầy, cô làm cật lực lắm nhưng vì thấy nhiều người cần mình nên mỗi người một tay, ai cũng cố gắng để làm sao giúp Sài Gòn mau khoẻ”, cô Ngàn tâm sự.
Bình luận (0)