Năm 2 tuổi, cậu bé Trần Công Đông sau một đợt sốt dài đã bị bại liệt. Gia đình có 6 anh em, bố là thương binh, các anh em phụ thuộc vào những gánh hàng của mẹ bán ở chợ. Dù cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, một chân bị bại liệt, nhưng anh đã vượt lên... Tốt nghiệp THPT, điều kiện kinh tế khó khăn không cho phép thi vào đại học, Đông vào TP.HCM kiếm việc làm, xin theo học nghề điện tử. Gặp nhiều trở ngại, sau đó anh phải trở về Huế.
Tại Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật Thừa Thiên-Huế, anh học nghề mộc mỹ nghệ. Sau hơn 3 năm học nghề, anh được giữ lại trung tâm làm giáo viên, bắt đầu hành trình truyền nghề cho các em nhỏ cùng cảnh ngộ. “Khi tới lớp dạy, mình phải tạo không khí vui vẻ, kể chuyện cười để các em hưng phấn. Ngoài việc học, mình còn bày vẽ thêm về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, vừa học vừa tâm sự”, anh chia sẻ.
Sau hơn 14 năm theo nghề, nhiều thế hệ học sinh khuyết tật đã được anh chỉ dạy từ những bước căn bản đầu tiên của nghề mộc mỹ nghệ. Đến nay, có hơn 100 em thành thạo tay nghề, nhiều em ra ngoài tự mở xưởng hoặc đi làm cho các xí nghiệp... “Dạy ở trung tâm thấy vui, hạnh phúc vì được giúp đỡ các em có hoàn cảnh giống mình”, anh tâm sự.
Hạnh phúc luôn mỉm cười với những người biết phấn đấu. Tại trung tâm dạy nghề, thầy giáo Đông đã tìm được một nửa của mình: chị Trần Thị Gái, một học viên của trung tâm. Năm 2017, vợ chồng thầy giáo Đông đã tham gia chương trình giao lưu “Hạnh phúc gia đình người khuyết tật” và được Bộ VH-TT-DL tặng bằng khen đại diện các gia đình người khuyết tật tiêu biểu. Không chỉ tự tạo hơi ấm cho hạnh phúc riêng, thầy giáo Đông còn biết cách "truyền lửa" hy vọng vào tiếp nối ước mơ cho cho những mảnh đời bất hạnh...
Thầy giáo khuyết tật Trần Công Đông đã được trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích vượt khó vươn lên trong lao động học tập 2007 - 2009; có thành tích xuất sắc trong công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi năm 2018; đặc biệt là bằng chứng nhận nghệ nhân quốc gia năm 2014.
|
Bình luận (0)