Trong lúc chờ quyết định được nghỉ hưu, thầy giáo Tân Minh Thành (56 tuổi, giáo viên dạy văn tại Trường THPT An Lạc Thôn, tỉnh Sóc Trăng) cho biết bản thân đã “linh cảm" niên khóa 2020 - 2021 là thế hệ học sinh cuối cùng của cuộc đời cầm phấn. Vì lý do sức khỏe, thầy Thành quyết định giã từ sự nghiệp "trồng người" khi kết thúc năm học 2020-2021.
Những ngày cuối cùng khi năm học sắp kết thúc, thầy Thành đã chia sẻ với các học trò lớp 9A1 về việc để lại một đôi dòng cảm nhận để lưu giữ làm kỷ niệm.
Vào ngày chia tay hồi tháng 6, thầy Thành bất ngờ và xúc động khi các học trò đã dành tình cảm cho mình qua cuốn lưu bút mang tên “Thay lời muốn nói”.
Thầy Tân Minh Thành xúc động với món quà tinh thần mà học trò dành tặng ngày giã từ bục giảng |
NVCC |
Quyển lưu bút chứa đựng các lá thư của học sinh với những tâm tình, tri ân gửi cho thầy Thành.
“Cuốn sổ này là một kỷ vật mà tôi phải nâng niu, gìn giữ như báu vật để đời vì nó giúp tôi ôn lại những kỷ niệm của một quãng thời gian dài gắn liền với bảng đen phấn trắng, để tôi nhận ra mình đứng ở vị trí nào trong lòng học sinh, để tôi được biết các em có ấn tượng ra sao về mình”, thầy Thành chia sẻ.
Trong quyển lưu bút gửi người thầy đáng kính, Trần Thanh An, học sinh lớp 9A1 Trường THPT An Lạc Thôn, viết: “Thật sự trong giờ ngữ văn, em sợ nhất là lúc thầy gọi lên trả bài, cảm giác bị gọi tên hồi hộp đến đau tim. Nhưng thật may mắn vì năm nay được gặp thầy, nghe được những câu chuyện về cuộc đời thầy và rút ra được những bài học làm nền tảng để chúng em học tốt hơn. Em cảm ơn thầy về tất cả những gì thầy đã làm".
Những hình ảnh đẹp của thầy Thành cùng tập thể lớp 9A1 Trường THPT An Lạc Thôn |
NVCC |
Một học sinh khác là Võ Thị Trúc Quỳnh thì viết trong lưu bút: ”Mới ngày nào còn hăng say chờ đến tiết dạy của thầy mà giờ đây sắp phải chia tay rồi. Năm nay, tụi em may mắn được sự dạy dỗ của thầy và cũng là năm cuối kết thúc cuộc hành trình 35 năm đứng trên bục giảng của thầy. Sau này, khi mỗi người trong tập thể 9A1 đã có cuộc sống riêng ổn định, em mong chúng ta lại họp mặt, vui vẻ bên nhau với tư cách là những học trò trưởng thành của thầy...”.
Nhận được tình cảm của học trò qua quyển lưu bút “Thay lời muốn nói”, thầy Thành cho biết đây là niềm an ủi và là ký ức đẹp không thể quên được sau 35 năm gắn bó với trường, lớp.
“Thực ra nghề giáo không bạc bẽo như người ta thường nói. Bạc hay không đều là do ở nơi mình. Muốn được học sinh ưu ái, đánh giá cao, dành cho những mỹ cảm đặc biệt thì người thầy phải có cái tâm trong nghề; phải sống hết mình và biết đam mê với nghề; phải biết giữ lửa, truyền lửa và bùng cháy hết lửa nghề. Để mai sau, khi học sinh không còn học mình nữa thì hình ảnh người thầy vẫn còn ấn tượng sâu đậm mãi trong lòng các em”, thầy Thành chia sẻ.
Là một giáo viên văn có cách dạy học “có một không hai”, thầy Thành từng yêu cầu những học sinh có chữ viết xấu, khó coi phải chép lại vở tập viết lớp 1 để rèn chữ hay chép phạt mỗi lần viết sai chính tả.
Đối với thầy, phương châm đặt lên hàng đầu trong suốt quá trình dạy học là phải công tâm trong việc đánh giá học sinh, phải giúp các em có ý thức học thật, điểm thật, thi cử thật để nhìn nhận đúng thực lực. Thầy cho rằng giáo viên không nên vì chạy theo thành tích mà làm hỏng cả một thế hệ và đánh mất giá trị cao đẹp của nghề giáo.
Quyển lưu bút “Thay lời muốn nói” và những dòng chia sẻ đầy cảm xúc của học trò dành tặng thầy Thành ngày chia tay |
NVCC |
Bắt đầu dạy học từ nửa cuối thập niên 80, thầy Thành cho biết đó là khoảng thời gian đời sống của giáo viên gặp vô số khó khăn, có người không trụ nổi nên phải về làm ruộng.
Bản thân thầy Thành vừa phải làm giáo viên chủ nhiệm vừa dạy đến 25 tiết/tuần. Lúc bấy giờ, một buổi thầy đi dạy, buổi còn lại phải làm ruộng, “ăn cơm cha mẹ” thì đồng lương eo hẹp mới đủ sống.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm trong nghề, thầy Thành gửi đến thế hệ giáo viên trẻ thông điệp: “Hiệu suất của mỗi giờ lên lớp là thước đo năng lực và đạo đức nghề nghiệp của từng giáo viên. Cái năng khiếu truyền đạt trời cho chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ”.
“Ngoài ra, giáo viên còn phải không ngừng trau dồi để nâng cao tay nghề; xem bục giảng là thánh đường, đứng trên bục giảng, phải bỏ hết lại phía sau những lo toan, muộn phiền của nợ áo cơm trong cuộc sống”, thầy giáo Tân Minh Thành chia sẻ.
Bình luận (0)