Thầy giáo trường làng dạy học trò vẽ tranh gạo

11/03/2017 13:23 GMT+7

Thầy giáo Đào Thế Am, giáo viên dạy mỹ thuật của Trường tiểu học-THCS Tiền Phong (TX.Quảng Yên, Quảng Ninh) đã dày công dạy học trò sắp xếp những hạt gạo thành bức tranh độc đáo.

Trong ngôi nhà của gia đình, thầy giáo Am treo nhiều tranh sơn dầu, tranh lụa, nhiều nhất là tranh gạo. Các bức tranh vẽ bằng gạo tạo ấn tượng cho khách tới thăm khi những hạt gạo đủ màu sắc từ trắng tới nâu, đen sẫm tạo nên đường nét thiếu nữ mặc áo dài, cảnh sắc làng quê…
Theo thầy Am, phải rang rất khéo léo và căn đúng thời gian tùy vào việc tạo ra màu gì thì hạt gạo mới có được màu như ý. Trên tấm giấy bìa, thầy Am vẽ hình phác họa và phết keo dán giấy lên trước khi xếp gạo theo từng đường nét. Bức tranh gạo hoàn thiện sẽ được quét thêm một lớp keo dẻo lên bề mặt cho kết dính và phun lớp sơn bóng khi đã khô để chống mốc. “Nếu tập trung thì một buổi sáng có thể làm xong một bức tranh gạo”, thầy Am cho biết.
Thầy Am đến với tranh gạo như một cơ duyên. Năm 2002, trong một lần đến nhà người quen rang gạo làm thính, thấy gạo chuyển sang các gam màu trầm đẹp mắt, thầy giáo trường làng đã xếp từng hạt gạo tạo ra đường nét có chiều sâu và sống động. Từ đó, thầy nảy ra ý tưởng làm tranh gạo. “Những bức tranh gạo thể hiện sự tinh tế, tỉ mỉ của đôi tay người họa sĩ. Vì vậy, tôi muốn rèn sự cẩn thận, chỉn chu và tính thẩm mỹ cho học trò qua việc vẽ tranh gạo”, thầy Am nói.
Thầy Am dạy học trò vẽ tranh gạo miễn phí tại ngôi nhà của gia đình vào những buổi không phải đến trường theo thời khóa biểu. Những ngày cuối tuần, học sinh đến học khá đông, có ngày thầy trò phải trải chiếu ra sân cùng nhau vẽ tranh. Em Trần Thế Long (lớp 11A4, Trường THPT Ngô Gia Tự, TX.Quảng Yên) theo thầy Am học vẽ tranh gạo được hơn 1 năm. Hiện Long có thể tự tay làm được những bức tranh chân dung, phong cảnh.
“Em thích hội họa và muốn theo ngành mỹ thuật nên thời gian rảnh em đến học thầy để rèn tay cho khéo léo, đầu óc có nhiều sự sáng tạo và không đi chơi bời vô bổ. Em thấy làm tranh gạo là tôn vinh giá trị hạt gạo và văn hóa lúa nước của dân tộc”, Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.