Thầy giáo Xứ Wales lý giải mối kình địch Liverpool - M.U

17/10/2016 15:01 GMT+7

Trước trận đấu tâm điểm vòng 8 Premier League giữa Liverpool và Manchester United (M.U) tại Anfield, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ và trò truyện với thầy Jody Ayers hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM để nghe thầy chia sẻ về mối ‘thâm thù' giữa hai đội bóng có nhiều duyên nợ trong quá khứ.

Rạng sáng ngày 18.10 (lúc 2 giờ, giờ VN), Manchester United (M.U) sẽ đến làm khách trên sân “The Kop” trong trận derby nước Anh lần thứ 180. Trận đấu đầy duyên nợ này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả của hai đội trên bảng xếp hạng, mà đồng thời còn tiếp nối sự ganh đua với nhau từ rất lâu đời. 

Tuy cuộc đối đầu giữa Liverpool và M.U nổi tiếng khắp thế giới này được biết đến với độ nóng trong và cả ngoài sân cỏ, nhưng không nhiều người biết được nguồn gốc của sự thù địch này được bắt nguồn từ đâu. Trong buổi trò chuyện với Thanh Niên, thầy Jody đã lý giải mối duyên nợ kéo dài hơn một thế kỷ qua của hai đội bóng. 

“Tất cả xuất phát từ con kênh Manchester, nơi dòng nước sẽ đưa những chuyến hàng vượt cảng đi từ Liverpool ngược về phía đông sang Manchester,” thầy Jody chia sẻ. “Họ có một truyền thống thù địch từ lâu đời khi cạnh tranh cùng một mối lợi nhập cảng.”

Khi nước Anh bắt đầu phát triển các cụm công nghiệp để khởi xướng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, Liverpool và Manchester là hai thành phố công nghiệp mạnh nhất cả nước. Họ phát triển các ngành dệt may, khai khoáng, luyện kim rồi sau cùng, khi ngành công nghiệp đóng tàu bùng nổ hỗ trợ cho công cuộc bình định thuộc địa của Anh thời thực dân, hai thành phố này bắt đầu chính thức ganh đua toàn diện về mối lợi nhập cảng. 

Chia sẻ thêm với chúng tôi, thầy Jody tiết lộ ông thích M.U hơn, bởi đội bóng này có xuất phát điểm thua xa đội bóng kình địch, nhưng đã kịp gầy dựng cho mình một lịch sử hào hùng và biến đối thủ thành cựu vương trên mọi khía cạnh, cả từ lịch sử, tương lai cho đến tầm vóc. Đối với người Anh, M.U còn hơn là một đội bóng, họ là biểu trưng cho sự vượt khó và lòng kiêu hãnh của người Anh trên toàn thế giới. 

M.U (áo đỏ) đã qua mặt Liverpool AFP

Sống và làm việc tại TP.HCM hơn sáu năm, Jody hiện đang là giảng viên tiếng Anh tại RMIT và ông cũng rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng như thể thao tại trường cũng như địa phương. 

“Tôi cũng hay ra ngoài vào cuối tuần, những ngày thứ Bảy,” thầy Jody cho biết. “Tôi thấy thanh niên và cả thế hệ trung niên đều rất thích đá bóng. Họ theo dõi các đội bóng tại châu Âu mà phần lớn là ở giải Anh. Tôi cảm thấy rất vui vì môn bóng đá phổ biến ở Việt Nam.”

“Ở Wales, người trẻ họ thích bóng đá, còn thế hệ già họ theo dõi Rugby (môn bóng bầu dục Anh - PV). Riêng bản thân tôi thì ưa chuộng bóng đá hơn,” thầy Jody so sánh sự phổ biến của bóng đá ở Anh và Việt Nam. “Tôi cũng đã từng đến nhiều sân vận động ở Anh như Liberty tại Swansea, Emirates ở London và một vài sân bóng địa phương tại Wales. Với tôi, sự cuồng nhiệt ở đó cũng có nhiều nét tương tự như người hâm mộ đại chúng ở Việt Nam, nhưng nó đồng bộ hơn, bởi nhiều va vấp trong lịch sử”.

Trận đấu sắp tới sẽ chia nửa nước Anh làm hai, và đội thắng sẽ tô đỏ chiến quả của mình bằng cách có thêm 3 điểm quan trọng. Với những thông tin thú vị này, chúng ta sẽ không cần phải tự hỏi tại sao một trận bóng đá lại có thể mang đến sự cạnh tranh khóc liệt như thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.