Một đường dây nhập khẩu hàng Trung Quốc nhưng dán mác hàng từ các nước Đức, Ý rồi tuồn vào siêu thị để lừa người tiêu dùng đã bị phá vỡ.
Lực lượng kiểm tra liên ngành kiểm tra nơi bán hàng của Công ty TNHH Romal VN - Ảnh: Mạnh Quân
|
Gần đây, cơ quan chức năng nhận thông tin về một đường dây nhập khẩu số lượng lớn các mặt hàng bếp từ, bếp gas, máy sấy tóc… từ Trung Quốc vào VN, nhưng mang nhãn mác hàng hóa của Ý, Đức. Số hàng này được bày bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố và rao bán trên internet. Từ các thông tin này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc.
Thay nhãn, đẩy giá lên gấp 3 - 4 lần
Ngày 22.1, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) có công văn gửi Ban Chỉ đạo 389 ở các tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh… về việc Công ty TNHH Romal VN (địa chỉ: 26/93/59 Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) có dấu hiệu nhập khẩu hàng Trung Quốc nhưng giả mạo xuất xứ từ Ý, Đức bán ra thị trường. Ban yêu cầu các lực lượng công an, quản lý thị trường, thuế… các tỉnh thành phối hợp để kiểm tra các cơ sở, văn phòng đại diện của công ty trên có mặt trên địa bàn.
Ngay tại Hà Nội, lực lượng công an, quản lý thị trường kết hợp cùng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)… đã kiểm tra, khám xét văn phòng công ty, kho hàng của Công ty TNHH Romal VN ở khu vực đường Mễ Trì. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 185 trên tổng số khoảng 2.000 sản phẩm của Công ty Romal đã dán nhãn hiệu của Đức và Ý để chuẩn bị mang đi tiêu thụ. Trong đó, khá nhiều sản phẩm thuộc các lô hàng mà Công ty Romal mở tờ khai, nhập khẩu qua khu vực 3, cảng Hải Phòng vào ngày 15 và 16.1. Giám đốc công ty là Nguyễn Thị Ninh và chồng là Nguyễn Huy Thọ, người tham gia điều hành công ty (cùng trú tại xóm 2, Mễ Trì Hạ, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bị lực lượng Công an Hà Nội triệu tập, lấy lời khai từ ngày 22.1 đến nay.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, 2 người này và 8 nhân viên dưới quyền đã thừa nhận suốt từ năm 2008 đến nay, Công ty Romal nhập khẩu hàng hóa từ Công ty thương mại - xuất nhập khẩu Zhongshan (Quảng Đông, Trung Quốc) về VN. Sau đó, sản phẩm bị tráo đổi nhãn hiệu để bán cho các siêu thị, trung tâm thương mại, các khu chung cư… với giá chênh lệch rất cao. Hồ sơ nhập khẩu hàng hóa của Công ty Romal cũng cho thấy họ đã nhập khẩu với số lượng lớn các mặt hàng tương tự với giá trị lên tới hàng trăm ngàn USD mỗi năm. Tuy nhiên, các hồ sơ thông quan lại kê khai giá trị tính thuế rất thấp. Đơn cử như 2 container nhập khẩu qua cảng Hải Phòng gần nhất chỉ kê khai trị giá tính thuế khoảng 150 triệu đồng.
Theo một cán bộ của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, bếp từ, bếp gas… đặt hàng từ một công ty bên Quảng Đông có giá từ 3 - 4 triệu đồng/chiếc và chỉ dán nhãn hàng sản xuất tại Trung Quốc rất sơ sài, chứ không in trực tiếp trên sản phẩm. Khi hàng về đến VN thì phần nhãn bị bóc ra và thay bằng nhãn của Ý, Đức… rồi bán lại với giá có khi lên đến 15 -16 triệu đồng/chiếc. Chủ số hàng trên thừa nhận nhãn mác giả của các nước châu Âu được đặt mua ngay tại Quảng Đông (Trung Quốc) để thay đổi xuất xứ, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Hàng dởm vào siêu thị
Từ ngày 22 - 24.1, nhiều nhóm công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã đi các tỉnh, thành phố nơi có đại lý, cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH Romal để trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra, thu giữ chứng cớ, lấy lời khai của các đối tượng liên quan.
Tại Đà Nẵng, cơ quan chức năng đã thu giữ 85 sản phẩm đang được bày bán tại siêu thị dán nhãn mác nước ngoài. Tại TP.HCM, chủ cơ sở của Công ty TNHH Romal VN đã khóa kho, bỏ trốn. Cơ quan chức năng đã niêm phong kho hàng để tổ chức kiểm tra, khám xét.
Theo chân đoàn kiểm tra đến Bắc Ninh, ngày 23 và 24.1, PV Thanh Niên chứng kiến tại siêu thị Anh Đức (45 Lý Thánh Tông, TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) có một dãy hàng của Romal trưng bày, bán sát với các dãy hàng bán nhiều sản phẩm cao cấp của các hãng E., S... Phía trên dãy hàng ghi rõ “thiết bị nhà bếp châu Âu”. Tại kho hàng cũng thuộc siêu thị Anh Đức, lực lượng chức năng đã khám xét, lập biên bản việc siêu thị Anh Đức đang chứa hàng chục sản phẩm của Công ty Romal đã bóc hết nhãn “Made in China” và thay bằng nhãn mác của các nước châu Âu như “Sabaf Burmers Made in Italy”, “E.G.O Germany Index”, “Euro Kerchan Appliances”… Tổng số hàng của công ty này tại đây khoảng 2 container nhưng quản lý thị trường chỉ giữ 185 sản phẩm do chủ công ty này đã gian lận, thay đổi nhãn mác.
Ông Ngọ Công Hùng, Phó giám đốc siêu thị Anh Đức, trả lời: “Chúng tôi mua các sản phẩm của Công ty Romal từ khoảng tháng 7 - 8.2014. Nhưng khi nhập về, các sản phẩm này đã có nhãn của Ý, Đức… mà không có sản phẩm nào ghi của Trung Quốc cả”. Tuy nhiên sau đó, chủ của siêu thị là ông Trần Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Đại (trú tại 217 Giảng Võ, Hà Nội) lại khai nhận mới chỉ mua về bày, bán hơn 1 tháng và chưa bán được sản phẩm nào và cho rằng mình cũng là “người bị hại”.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thông tin cơ quan điều tra của Bộ Công an, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng đã vào cuộc, thu thập chứng cớ, lấy lời khai của chủ hàng và có thể mở rộng điều tra với một số cơ sở kinh doanh khác cũng có dấu hiệu cố tình gian lận thương mại, nhập khẩu hàng từ Trung Quốc về, giả dạng xuất xứ châu Âu để đánh lừa người tiêu dùng.
Bình luận (0)