Đầu tiên hãy nói về trung vệ Đỗ Duy Mạnh, cậu học trò cưng của thầy Park hiện tại và thầy Miura năm nao. Mới đây, trả lời báo chí Việt Nam, HLV Miura đã ca ngợi hết lời cầu thủ đang khoác áo CLB Hà Nội: “Nếu chỉ được chọn một, tôi sẽ chọn Đỗ Duy Mạnh là sản phẩm xuất chúng nhất trong triều đại cầm quân của mình tại Việt Nam. Khi phát hiện ra Duy Mạnh trong một trận đấu ở giải trẻ, tôi đã bàn với một trợ lý về việc đưa Duy Mạnh lên tuyển. Cậu ấy hội tụ đầy đủ các kỹ năng phòng ngự và tấn công. Cậu ấy chuyền xa tốt, chạm một không có động tác thừa, tranh chấp tay đôi quyết liệt và thường đi trước đối phương một nhịp phán đoán”.
Trong sơ đồ chiến thuật của HLV Miura, Duy Mạnh chơi ở trung tâm hàng tiền vệ. Còn sau này, trong sơ đồ 3 trung vệ của HLV Park Hang-seo, anh được kéo xuống đá trung vệ lệch phải và đây được xem là thay đổi bước ngoặt không chỉ với đội tuyển Việt Nam mà còn với cá nhân Duy Mạnh nữa. Khả năng phòng ngự của Mạnh cũng được khai thác tốt hơn.
|
|
Nhưng Duy Mạnh không phải là cái tên duy nhất của thế hệ sinh năm 1995 - 1996 từng được dẫn dắt bởi HLV Miura và nay là HLV Park Hang-seo. Năm xưa, Phạm Đức Huy được ông Miura coi là dự bị đa năng ở biên còn dưới thời thầy Park, anh lại được kéo hẳn vào đá ở tiền vệ trung tâm và chơi hay hơn kỳ vọng. Khả năng bọc lót, đánh chặn và dứt điểm tuyến hai của Đức Huy giúp anh định nghĩa được một vị trí thực sự cho mình, hơn là một khái niệm mơ hồ ở hai chữ “đa năng” mà mọi người vẫn thường nói về anh.
Trong khi ấy, Nguyễn Công Phượng từng được HLV Miura trao rất nhiều “quyền hạn” trong đội hình thì hai năm qua phạm vi hoạt động của anh lại được ông Park “thu hẹp” lại. Phượng không xuất hiện “lừng lững” như một trung phong. Công Phượng cũng không bắt buộc phải di chuyển rộng để tự mình triển khai lối chơi như trước. Đơn giản, Công Phượng âm thầm luồn vào những khoảng trống của đối phương và ghi bàn. Với 14 pha lập công trong hơn 2 năm qua, Công Phượng là cầu thủ ghi bàn nhiều thứ 2 dưới thời ông Park.
|
Dưới thời HLV Hữu Thắng, 2 cầu thủ chơi khá nổi bật và luôn được tin dùng là Xuân Trường và Trọng Hoàng. Và hãy xem cách cải biên đến từ ông Park. Xuân Trường không còn nắm giữ vai trò quá lớn trong việc triển khai tấn công dựa trên những đường chuyền xuyên tuyến của mình. Giải đấu mà Xuân Trường chơi hay nhất ở thời ông Park chính là U.23 châu Á 2018. Khả năng phòng ngự tích cực, thực hiện tổ chức lối chơi dựa trên những đường chuyền ngắn cho các tiền đạo đã giúp Xuân Trường chơi ấn tượng bên cạnh Đức Huy. Còn với Trọng Hoàng, đó có thể xem là một sự cải biên quá thành công của ông Park.
Từ một tiền vệ tấn công, Trọng Hoàng được đặt ở vị trí… hậu vệ phải. Cũng nhờ sự xuất hiện của Trọng Hoàng, Việt Nam đã có thêm một hậu vệ phải đẳng cấp và anh đã đặt dấu ấn quá đậm đà trong chức vô địch AFF Cup của đội tuyển và HCV SEA Games 30 của đội U.22.
Mỗi một HLV có một cách cầm quân và ông Park với những “cải biên” mang tính đột phá, đã mang đến cho bóng đá Việt Nam một diện mạo thật mới.
Bình luận (0)