Tạm quên đi năm 2021 khó khăn, tuyển Việt Nam đã mở đầu năm 2022 với chiến thắng hoành tráng ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần. Đánh bại tuyển Trung Quốc, tuyển Việt Nam không chỉ trở thành đội Đông Nam Á đầu tiên thắng trận ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, mà còn cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ.
Cầu thủ nhập tịch của Trung Quốc cũng bất lực |
MINH TÚ |
Sự mới mẻ trước tiên nằm ở hệ thống chiến thuật. Trong 7 trận đấu trước tại vòng loại 3, HLV Park Hang-seo luôn sử dụng công thức 5-4-1, với 4 tiền vệ trung tâm đá giăng ngang, tạo thành hành lang phòng ngự tuyến hai hỗ trợ cho 5 hậu vệ. Sơ đồ 5-4-1 giúp tuyển Việt Nam chơi an toàn, khi 2 lớp phòng ngự luôn sẵn sàng đeo bám, bọc lót, hỗ trợ cho nhau.
Highlights Việt Nam 3-1 Trung Quốc: HLV Park 'lì xì' chiến thắng cho người hâm mộ |
Tuy nhiên, hạn chế của sơ đồ này là sức tấn công quá yếu. Khi có bóng, các cầu thủ khó phối hợp khoảng cách giữa hàng tiền vệ và hậu vệ quá xa, còn tiền đạo bị cô lập. Do đó, dù phòng ngự tốt, nhưng tuyển Việt Nam thường để đối thủ dễ dàng giành bóng, dồn ép và thua vì không thể chịu áp lực liên tục.
Dù vậy, HLV Park Hang-seo đã chuyển sang sơ đồ 3-5-2 giàu năng lượng hơn. Ở trận này, 2 tiền đạo Phạm Tuấn Hải và Nguyễn Tiến Linh đã pressing cực tốt, đồng thời kết nối tốt với hàng tiền vệ để tạo ra các tam giác tấn công. Cả 2 bàn thắng của tuyển Việt Nam đều diễn ra theo kịch bản: tiền đạo chạy chỗ hút người, mở ra không gian cho tiền vệ đưa bóng vào. Lúc này, cầu thủ phía trong sẽ chiếm lĩnh khoảng trống để dứt điểm.
Người hâm hộ Trung Quốc chê thẳng mặt cầu thủ đội nhà sau trận thua Việt Nam |
Sơ đồ 3-5-2 đã được tuyển Việt Nam tập dượt ở hiệp 2 trận gặp Úc tại Melbourne hôm 27.1. Dù cũng thua 2 bàn như hiệp 1, nhưng các học trò của thầy Park đã trình diễn lối đá tấn công khoáng đạt hơn. Đến trận này, tuyển Việt Nam đã cho thấy khi mạnh dạn tấn công, các cầu thủ có thể phối hợp không thua kém các đội tuyển hàng đầu nào.
Quân số tấn công đông đảo, những miếng phối hợp bóng ngắn táo bạo,... không chỉ cho thấy điểm ưu việt của sơ đồ 3-5-2, mà còn thể hiện sự chuyển dịch trong tư duy chơi bóng. Toàn đội sẵn sàng chơi tấn công nhiều hơn, kiểm soát thế trận, chấp nhận mạo hiểm để ghi bàn, thay vì chỉ phòng ngự như trước đây.
Nhỏ bé hơn nhưng vẫn chạy nhanh hơn |
MINH TÚ |
Tất nhiên, một tuyển Trung Quốc đang khủng hoảng chưa phải “thuốc thử” liều cao với tuyển Việt Nam, nhưng ít nhất sự thay đổi này mang tới hy vọng tạo ra diện mạo mới cho đội trong năm 2022, khi lối chơi cũ đã bị đối thủ bắt bài.
HLV Park còn cho thấy ông đã rút bài học kinh nghiệm từ trận lượt đi khi bố trí hệ thống phòng ngự dày đặc ở 2 cánh, nhằm phá lối chơi bóng dài của Trung Quốc. Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức chơi tiền vệ trung tâm, song thường xuyên lùi sâu về hai cánh, hỗ trợ cho Hồng Duy, Tấn Tài ở các tình huống phòng ngự biên.
Bé nhỏ nhưng không chịu khuất phục |
MINH TÚ |
Tuyển Trung Quốc muốn sử dụng những pha câu bổng của Wang Shenchao và Xu Xin ở hai biên để các tiền đạo như Wu Lei, Luo Goufu, Alan đánh đầu ghi bàn, song lối đá này bị vô hiệu hóa bởi hệ thống phòng ngự đã tập kỹ các bài chống bóng bổng của thầy Park. Luo Goufu và Alan mờ nhạt cả hiệp 1 và bị thay ra, còn Wu Lei trước khi rời sân cũng không có pha bóng ấn tượng nào.
Khi tuyển Trung Quốc để gây áp lực, HLV Park Hang-seo không thay thêm hậu vệ, mà tung Phan Văn Đức và Nguyễn Công Phượng vào sân để tạo ra thế trận phản công tận dụng khoảng trống mênh mông ở tuyến giữa Trung Quốc, đồng thời khiến đối thủ không dám đẩy cao đội hình.
Những phút cuối, dẫu thua tới 3 bàn nhưng đội bóng của HLV Li Xiaopeng không thể dồn lên tấn công, khi luôn có tới 3, 4 cầu thủ Việt Nam chờ sẵn ở phía sau. “Cầu thủ Trung Quốc thua trận bởi họ quá lo lắng”, HLV Li Xiaopeng chia sẻ. Và trong suốt 90 phút, đối thủ của thầy Park đã phải chơi với nỗi sợ tột cùng.
Bình luận (0)