Thầy trò thời 4.0

13/11/2018 18:18 GMT+7

Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thói quen và thậm chí cả quan hệ, tình cảm của con người. Trong dòng chảy đó, tình cảm thầy - trò, mối quan hệ rất được tôn trọng ở Việt Nam, có những đổi thay gì so với trước?

Trò có còn “kính nhi viễn chi” thầy, trong khi ngày nay thầy cô cũng “selfie” và đưa hình lên mạng xã hội tưng bừng như trò; cuộc sống, sinh hoạt của giáo viên đều được học trò “giám sát” thông qua mạng xã hội hay các công cụ hỗ trợ của công nghệ? Thầy cô còn độc quyền trao kiến thức cho trò khi hiện nay người học có biết bao phương tiện để nâng tầm hiểu biết? Việc dạy và học cũng đổi thay, không còn phụ thuộc vào bảng đen, phấn trắng vào việc cầm tay chỉ việc của thầy nữa, liệu có làm nhạt phai chút nào lòng tôn sư trọng đạo? Tình cảm thiêng liêng, sẻ chia, gắn bó của thầy trò có bị tác động nào trong khi nhiều nơi đã sẵn sàng đưa robot làm thay vị trí của giáo viên?...
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm, ghi nhận… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi công nghệ và hơn bao giờ hết khái niệm “công nghiệp 4.0” đã trở nên quen thuộc.
******************************
Thầy trò thời Facebook: Nơm nớp lo bị nói xấu bất ngờ
Facebook và nhiều ứng dụng khác của mạng xã hội phổ biến khiến thầy trò xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, có những rủi ro mà chính giáo viên cũng không ngờ tới.
Sợ Zalo, lo Facebook
Thừa nhận mạng xã hội như Zalo, Facebook sẽ thuận tiện cho phụ huynh, giáo viên khi thông báo các vấn đề chung của lớp học, chia sẻ đề kiểm tra cho học sinh hay đính kèm các thông báo của nhà trường, tuy nhiên, chị T.N.H, 27 tuổi, giáo viên tiếng Anh một trường tiểu học tại huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, chia sẻ chị không dám add friends (kết bạn) với phụ huynh và rất cẩn trọng khi kết bạn với đồng nghiệp trong trường trên Zalo hay Facebook sau nhiều rắc rối xảy ra.
“Quan điểm của tôi vẫn là Facebook ảnh hưởng tiêu cực đến thầy trò. Facebook với tôi rất phức tạp, mọi người quá tò mò, tôi vấp phải sự dò xét từ phụ huynh với giáo viên; soi mói rồi bắt bẻ, đưa đủ chuyện của giáo viên lên Facebook để nói, dù có những việc không hề liên quan đến chuyện giáo dục, dạy học. Một số người vào Facebook của cô giáo, đọc những gì cô giáo viết trong đó, chia sẻ về gia đình, cuộc sống, vui buồn rồi tự suy diễn, đồn đoán mọi thứ trên đời”.
“Có những phụ huynh thường xuyên ở trên mạng, bất luận có chuyện gì liên quan đến công việc hay gia đình riêng tư của giáo viên nhưng đăng trên Facebook của giáo viên là họ cũng mang ra bàn luận. Đặc biệt, có phụ huynh hay chia sẻ, đăng thông tin sai lệch, chưa kiểm chứng. Ví dụ thấy một lớp học ồn ào, chưa hiểu nguyên nhân vì đâu họ đã đăng lên Facebook hay Zalo chung của nhà trường nói rằng giáo viên bỏ lớp, để mặc học sinh quậy phá, trong khi đây là giờ học sinh tự quản, giáo viên ở trong giờ họp. Giáo viên bây giờ rất áp lực, tôi dạy cấp 1, học sinh chưa được dùng điện thoại nhưng đối mặt với những căng thẳng từ phía các phụ huynh trên 'thế giới ảo' cũng khiến cho mình quá mệt mỏi”, chị T.N.H thở dài.
Học trò được tiếp xúc với công nghệ ngày càng sớm hơn Ảnh minh họa Thúy Hằng
Câu chuyện giờ đã lùi xa 4 năm, tuy nhiên cô N.T.T, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Đông Triều, Quảng Ninh) đến giờ vẫn sợ mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Năm 2014, một clip được phát tán với tốc độ nhanh chóng mặt trên mạng, trong hơn một phút ngắn ngủi, người ta thấy cô N.T.T vừa đập tay vào lưng một học trò, vừa mắng em này. Tức khắc, những từ ngữ xấu xí được dành để nói về cô T., trước sức ép của xã hội, nhà trường tạm đình chỉ công việc của cô T.
Tuy nhiên, sự thật những gì người ta thấy trong clip kia chỉ là một nửa. Cô T. hiểu và thương các học trò, biết nam học sinh lấy tiền bố cho đóng học phí để đi chơi, dù gia đình rất nghèo và bố làm việc cực khổ, cô không thể kiềm chế, la mắng, cô đập tay vào lưng em này.
Mới đây, chia sẻ với chúng tôi, cô T. vẫn cho hay dù cô vẫn yêu nghề, yêu học trò, nhưng cú sốc 4 năm trước vẫn chưa phai mờ. “Facebook đưa mọi người tới gần nhau hơn, nhưng cũng có thể là con dao làm tổn thương mọi người. Tôi luôn nhắc nhở bản thân mình phải cẩn trọng trong cả tác phong, lời nói, bài giảng, bởi có những thứ nhỏ nhặt, trong lớp học sẽ thấy bình thường còn khi được chụp ảnh đưa lên Facebook lại bị hiểu lầm nghiêm trọng”, cô T. nói.
Facebook giúp thầy trò hiểu nhau hơn
Theo cô giáo Trịnh Thị Hạnh, giáo viên lịch sử, Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Phú, TP.HCM, cô vẫn thường xuyên trò chuyện với các học trò qua tin nhắn trên Facebook. Có những chuyện học trò sẽ ngại gặp trực tiếp nói với cô, qua tin nhắn, cô trò sẽ dễ dàng chia sẻ với nhau hơn. Như vậy, mỗi cô giáo như một người bạn của học sinh, cùng lắng nghe những vấn đề họ gặp trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Ngọc Huy Sang, Giám đốc công ty TNHH gia sư eTeacher (TP.HCM), cho hay bản thân anh từng là một gia sư, xét theo mặt tích cực, Facebook nói riêng và các ứng dụng khác trên mạng xã hội là cầu nối để gia sư - phụ huynh - học sinh gần với nhau hơn, chia sẻ về việc học tập của học sinh, trao đổi các vấn đề học sinh đang gặp phải, bày tỏ sự cảm ơn với các gia sư, những người thầy của con mình…
Chị Nguyễn Hồng Nhung, giáo viên ngữ văn, Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh), cho rằng việc bùng nổ mạng xã hội, Facebook sẽ có lợi thế với thầy trò trong việc trao đổi thông tin. “Khi tập hợp học sinh, cùng nhắc nhở các em vấn đề bài vở, ôn tập gì đó, hoặc có những bài văn hay, cảm động, muốn chia sẻ với học sinh, động viên học sinh qua các kỳ thi, tôi thấy Facebook rất thuận tiện cho những việc làm này. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề, Facebook của giáo viên không còn riêng tư nữa, giáo viên cần thận trọng trong phát ngôn, bình luận trên mạng xã hội, bởi các học sinh sẽ nhìn vào đó để đánh giá giáo viên”, cô Nhung trao đổi.
Góp ý riêng hay công khai lỗi của giáo viên trên Facebook?
“Nghề giáo hiện nay rất áp lực, với mỗi bài viết, hay động thái like, share thiếu suy nghĩ của phụ huynh trên Facebook càng khiến vấn đề trầm trọng hơn. Có phụ huynh tôi biết, đi học về, kể xấu cô giáo, phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ đã nổi giận đùng đùng, viết bài kể tội giáo viên trên Facebook, khi câu chuyện vỡ lẽ, muốn khép lại chuyện ầm ĩ cũng khó vì sự lan tỏa chóng mặt trên mạng xã hội”, Trần Hải Anh, phụ huynh học sinh Trường THCS Minh Đức, quận 1, TP.HCM
“Tôi cho rằng, học sinh, sinh viên nên cẩn trọng với mỗi hành động, viết bài, bình luận, like hay share trên mạng xã hội. Tôi không ủng hộ các bạn chưa tìm hiểu kỹ vấn đề nhưng đã quy kết, chụp mũ giáo viên này thế này, thế khác trên mạng xã hội, đăng hình ảnh, video về giảng viên với thái độ thiếu tôn trọng. Chúng ta có hòm thư riêng, phòng công tác học sinh sinh viên để trao đổi với một thái độ tôn trọng và mong muốn mọi việc sẽ theo chiều hướng tốt đẹp hơn”, Vũ Lê Bảo Ngọc, sinh viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí - Tuyên truyền.
Với chủ đề Thầy trò thời 4.0, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ [email protected]. Bài sẽ đăng trên website của Báo Thanh Niên. Các bài viết đăng tải sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.