Thầy trò thời 4.0: Livestream dạy học miễn phí

17/11/2018 19:05 GMT+7

Là người trẻ năng động, anh Trần Trinh Tường khởi nghiệp với dự án trung tâm tiếng Anh Simple English và được nhiều bạn trẻ biết đến với những lớp học tiếng Anh online miễn phí mỗi đêm.

Phóng viên có cuộc trò chuyện với anh Trần Trinh Tường để nghe anh chia sẻ về câu chuyện dạy học thời công nghệ của mình.

Người thầy của hơn 10.000 học sinh

* Hiện nay anh là thầy giáo dạy tiếng Anh được nhiều bạn trẻ yêu mến. Vậy cơ duyên nào đưa anh đến với công việc này?

- Duyên may là mình thường xuyên được mời đi diễn thuyết chia sẻ với các sinh viên tại nhiều trường đại học ở TP.HCM về các chủ đề như phương pháp tự học tiếng Anh hiệu quả, cách viết CV, phỏng vấn chuyên nghiệp, quản lý cảm xúc, sinh viên tài năng... nên được nhiều bạn trẻ biết đến và yêu mến.

Mình đã có kinh nghiệm hơn 7 năm làm giáo dục và đào tạo, đặc biệt rất tâm huyết về lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh. Hiện đã chia sẻ hơn 10.000 học viên trên toàn quốc (online và offline) tạo ra kết quả thực sự giúp cho nhiều người yêu thích tiếng Anh và học thật thoải mái để đạt hiệu quả.

Thầy Tường thường xuyên là diễn giả trong nhiều chương trình dành cho sinh viên NHÂN VẬT CUNG CẤP

Lúc đầu mới ra trường, mình học chuyên ngành quản trị marketing, từng đi làm ở các công ty lớn trong mảng marketing nhưng thực sự không phù hợp. Trong lòng vẫn mong muốn được đứng lớp chia sẻ, giảng dạy và cảm thấy rất hạnh phúc với công việc đó. Nên mình quyết định từ bỏ vị trí tốt và khởi nghiệp giảng dạy tiếng Anh, theo đuổi đam mê.

* Mỗi đêm anh vẫn dành thời gian livestream dạy tiếng Anh miễn phí cho người trẻ. Từ đâu mà anh chọn hình thức này để dạy?

- Mình nhớ lúc đấy Facebook lần đầu ra mắt chức năng livestream. Mình cũng rất tò mò về công nghệ và nhận thấy khi mình livestream sẽ có thể tương tác được với rất nhiều người trực tiếp, sinh động. Ngoài ra có thể tạo thành bài giảng tiếng Anh, chia sẻ kinh nghiệm học tập, dạy từng vựng, sửa phát âm… Và mình quyết định livestream, không ngờ được rất nhiều người ủng hộ. Hầu hết những phương pháp hay, hiệu quả nhất mà mình biết đều chia sẻ trên mạng qua livestream và có nhiều bạn đã học thành công sau 6 tháng đến 1 năm. Mặc dù các bạn ở xa, chưa từng gặp mình bao giờ, thỉnh thoảng mình vẫn nhận những tin nhắn cảm ơn và khoe rằng họ nhờ áp dụng những gì mình chia sẻ qua livestream nên có thể tự học thành công tiếng Anh.

Thầy Tường còn là tác giả của cuốn sách "Sẽ không sao, mặc đời lao nhao" được nhiều bạn trẻ đón đọc NHÂN VẬT CUNG CẤP

* Vừa áp dụng cả hai hình thức để dạy, thì anh thấy hình thức học và dạy online trong thời đại này có những ưu và nhược điểm gì?

- Thực tế việc dạy online và offline đều có cái hay riêng và hạn chế riêng, tùy vào điều kiện mỗi cá nhân mà chúng ta lựa chọn hình thức học. Hình thức nào cũng hiệu quả và đem lại sự hỗ trợ cao, nhưng để giỏi và thành thạo được thì cần thêm sự siêng năng, nghị lực học tập của mỗi người, thời gian và học đúng phương pháp.

Về học online, ưu điểm là mọi người có thể học mọi lúc mọi nơi, xem lại bài giảng thoải mái, nhiều lần; chi phí thường rẻ hơn offline; có thể chia sẻ rộng cho người thân, bạn bè; tài liệu lưu trữ dễ dàng khó mất; thời đại công nghệ 4.0, có thể học online trực tiếp với người bản ngữ, giáo viên tiếng Anh vẫn hiệu quả rất cao gần như là thực tế.

Tuy nhiên, cũng có những nhược điểm nhất định như sẽ không phù hợp với những người không rành internet, không dễ đánh giá trình độ, tương tác về mặt cảm xúc giữa người với người sẽ giảm đi,…

Biết ơn công nghệ

* Nhiều người nói vui, thời công nghệ một người thầy có thể cùng lúc làm thầy của mấy chục ngàn học trò. Anh có thấy hạnh phúc khi mình có thể truyền tải được kiến thức đến nhiều người học nhờ vào công nghệ?

- Mình rất biết ơn công nghệ, mạng xã hội. Nhờ vào công nghệ phát triển mà mỗi ngày chỉ với cái máy tính và điện thoại di động, internet là mình có thể giúp rất nhiều bạn hiểu, học được ngoại ngữ, giải đáp nhiều thắc mắc cho các bạn. Thỉnh thoảng ra ngoài đi chơi, đi ăn, mình vẫn gặp một bạn học viên bất ngờ nào đấy đến chào thầy Tường, miệng mỉm cười vui vẻ. Bạn khoe bạn đã học tiếng Anh qua video của mình và tiến bộ. Và mình mong công nghệ sẽ giúp cho nhiều giáo viên có thể lan tỏa tri thức của mình đến nhiều người hơn trong tương lai. Việc kết hợp công nghệ và giáo dục thực sự giúp ích rất nhiều cho cả thầy và trò ngày nay.

Không khí những lớp học offline vui nhộn của thầy Tường và học trò NHÂN VẬT CUNG CẤP

* Ngoài livestream dạy học miễn phí, anh còn sử dụng công nghệ để bổ trợ cho việc dạy tiếng Anh của mình như thế nào?


- Mình thường lưu những bài giảng lên Youtube (web xem video online), để nhiều học viên có thể download, xem đi xem lại. Dạy qua skype trực tuyến. Quay video bài giảng tải lên Facebook cho mọi người xem. Đó là những kênh mình bổ sung thêm để giúp học viên cải thiện tiếng Anh.

* Việc dạy và học online, chắc đã có nhiều câu chuyện vui giữa anh và học trò?

- Điều vui nhất là thỉnh thoảng nhận được những tin nhắn học viên ở xa, khoe là em học được ngoại ngữ, nói được rồi, đi phỏng vấn được rồi, cảm thấy hạnh phúc và yêu nghề vô cùng, biết ơn công nghệ giúp mình lan tỏa giá trị đi xa hơn.

Nhờ livestream, có lần ra quán chay ăn cơm, gặp anh chủ quán tay bắt mặt mừng chào mình và nói anh xem video của mình nhiều lắm và rất là mến mình. Có những bạn học qua những livestream của mình hơn 2 năm. Bạn ở tỉnh, sau hai năm thi đậu ĐH ở TP.HCM. Và bạn ấy chạy lên trực tiếp trung tâm để cảm ơn mình. Nhiều lúc được học viên (mình không biết tên, biết mặt), gởi quà sinh nhật, với một tấm thiệp cảm ơn rất dễ thương.

* Trong thời đại này, mọi người nhìn nhận nếu giáo viên không thay đổi thì sẽ “lỗi thời” và không dạy được học trò. Anh có chia sẻ gì về câu chuyện này?

- Đúng quả thật là sẽ “lỗi thời” nếu như đi dạy học nhưng mỗi ngày chúng ta không nỗ lực học thêm, phát triển hơn, đặc biệt là áp dụng công nghệ trong công việc. Với góc nhìn cá nhân, mình thấy có những thầy cô giáo biết làm thương hiệu cá nhân qua mạng xã hội, họ biết làm livestream chia sẻ. Thậm chí họ còn xây dựng được một hệ thống website bài bản cho nhiều môn học khác nhau. Việc đó giúp ích cho học viên rất nhiều, với những học viên nghèo, ở xa… vẫn có thể học được với giáo viên tốt, nhờ vào công nghệ. Vì thế trong tương lai, khi mà công nghệ phát triển và bay xa, nếu bạn mong muốn trở thành một giáo viên có ích, tạo ra được nhiều giá trị cho người học, hãy áp dụng công nghệ vào việc giảng dạy. Những giáo viên không chịu khó cải tiến, áp dụng công nghệ vào bài giảng, tỷ lệ rất cao sẽ không giúp được nhiều cho học viên. 

Thầy trò thời 4.0
Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thói quen và thậm chí cả quan hệ, tình cảm của con người. Trong dòng chảy đó, tình cảm thầy - trò, mối quan hệ rất được tôn trọng ở Việt Nam, có những đổi thay gì so với trước?
Trò có còn “kính nhi viễn chi” thầy, trong khi ngày nay thầy cô cũng “selfie” và đưa hình lên mạng xã hội tưng bừng như trò; cuộc sống, sinh hoạt của giáo viên đều được học trò “giám sát” thông qua mạng xã hội hay các công cụ hỗ trợ của công nghệ? Thầy cô còn độc quyền trao kiến thức cho trò khi hiện nay người học có biết bao phương tiện để nâng tầm hiểu biết? Việc dạy và học cũng đổi thay, không còn phụ thuộc vào bảng đen, phấn trắng vào việc cầm tay chỉ việc của thầy nữa, liệu có làm nhạt phai chút nào lòng tôn sư trọng đạo? Tình cảm thiêng liêng, sẻ chia, gắn bó của thầy trò có bị tác động nào trong khi nhiều nơi đã sẵn sàng đưa robot làm thay vị trí của giáo viên?...
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm, ghi nhận… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi công nghệ và hơn bao giờ hết khái niệm “công nghiệp 4.0” đã trở nên quen thuộc.
Với chủ đề Thầy trò thời 4.0, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ [email protected]. Bài sẽ đăng trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết đăng tải sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.