Facebook là gì?
Cách đây hai năm, có một lần muốn xin ý kiến của giáo viên tiểu học, người viết đã gọi điện thoại liên hệ đến cô N.T.L, giáo viên Trường tiểu học Bình Phước (Quảng Ngãi). Quá trình trao đổi, người viết nhắc đến những khái niệm như: Gmail, Facebook..., là những ứng dụng quen thuộc trong thời công nghệ số đang được người dùng ưa chuộng trên toàn cầu. Thế nhưng, với cô giáo ở miền quê này, thì tất cả những ứng dụng ấy, thật sự lạ lẫm.
Chẳng riêng cô L., mà khi trao đổi với nhiều giáo viên khác, đang làm nghề đưa đò ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi như: Tây Trà, Sơn Tây, Trà Bồng, hay các huyện xa xôi hẻo lánh khác như: Ia Pa, Krông Pa (Gia Lai), Trà Cú (Trà Vinh)..., thì mới biết rằng, dù cho Facebook, Zalo, Gmail... đã và đang "phủ sóng" trên toàn cầu, được người dùng yêu thích, thì vẫn có những nơi, vẫn có những người thầy, người cô trở nên xa lạ với những ứng dụng này.
Sở dĩ có điều đó, như lời thầy Trần Tuấn Kiệt, giáo viên Trường tiểu học Định An (Trà Vinh), thì cuộc sống ở miền quê không sôi động như thị trấn, thị xã. Theo đó, sự cập nhật những tiến bộ của công nghệ, cũng có phần trễ nhịp hơn. Có nhiều lần, khi những đồng nghiệp đến từ các huyện khác ngỏ lời trao đổi tài liệu, giáo án dạy học qua email (thư điện tử), người thầy này đã phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần, vì chưa biết email là gì.
Hay như cô giáo P.T.X, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (Quảng Ngãi) từng được bạn bè đồng nghiệp ở những nơi khác hỏi... Facebook cá nhân để kết bạn, để về sau dễ dàng chuyện trò, nhưng cũng chẳng biết Facebook có hình dạng như thế nào, sử dụng ra sao...
Với những giáo viên ở các vùng quê, họ ngày ngày đến lớp, tận tụy với từng bài giảng, hết mình với từng học trò. Có thể, những tiến bộ của công nghệ, của mạng xã hội chưa đến được với những nơi ấy, có thể Facebook, Zalo hay Gmail... còn lạ lẫm với họ, nhưng trong họ, tình yêu với học trò vẫn vậy, vẫn là sự yêu thương hết mực, như đã từng, như kể từ ngày họ bắt đầu đến với bục giảng.
Ở nhiều nơi trên các tỉnh thành, nhiều giáo viên tiếp cận công nghệ và vận dụng vào việc dạy học cho hiệu quả hơn. Những tiết dạy với màn hình chiếu, với những đoạn phim, với những ví dụ hay và ý nghĩa từ mạng xã hội..., thì vẫn còn có những người thầy, người cô, chưa một lần biết đến màn hình chiếu là gì, hoặc có nghe đâu đó về mạng xã hội, về Facebook, nhưng chẳng thể hình dung đó là gì, liệu rằng có sử dụng được trên những "điện thoại... đập đá", "điện thoại... cùi bắp"... mà họ đang dùng hay không. Họ chỉ có bảng đen, phấn trắng, và ngày ngày, dốc hết sức mình cho những bài giảng, để những học trò ở quê có thêm tri thức, được thoát nghèo...
Hạnh phúc từ những món quà giản đơn
Hỏi cô giáo Hà Thị Lý, giáo viên tiểu học ở H.Ia Pa (Gia Lai) rằng cô có buồn không, khi mà xã hội ngày nay, trong đó có giáo dục, bị tác động rất lớn bởi công nghệ, mà cô nói riêng và không ít giáo viên nói chung, lại đứng ngoài dòng chảy ấy, không như bao giáo viên khác, hằng ngày trò chuyện với học trò trên Facebook, chụp hình "tự sướng" cùng học trò mỗi ngày..., cô Lý cười cho rằng: "Không có một chút buồn, vì với người giáo viên, dù chẳng rành về công nghệ, về mạng xã hội đi chăng nữa, nhưng luôn nhận được sự tôn trọng, sự yêu thương của học trò, thì đó là niềm tự hào".
Những bó hoa đơn giản nhưng chứa đầy tình cảm của học sinh đã khiến nhiều giáo viên hạnh phúc - ẢNH: NHẪN NGUYỄN
Cũng vì chẳng biết đến mạng xã hội, thế nên với những giáo viên như cô Lý, ở những miền quê nghèo, xa xôi hẻo lánh, thì việc nhận được những thiệp điện tử bắt mắt, những lời chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11... qua Facebook trở nên xa xỉ. Hay chẳng bao giờ nhận được những cuộc gọi video (gọi nhìn hình ảnh trực tiếp) qua Zalo, Viber... Thế nhưng, họ được nhận đủ đầy tình yêu thương từ các học trò của mình.
Cô Lý kể vào dịp 20.11, thường được học trò kéo đến nhà. Chẳng quà, chẳng hoa, nhưng lại làm cô xúc động. Bởi lẽ nhiều học sinh ở rất xa, vẫn rủ nhau đến đông đủ. "Đứa tặng bài hát, có nhóm rủ nhau múa tặng, hay đó là những lời chúc mộc mạc nhất, chúc cô luôn khỏe, hay những lời hứa con sẽ học giỏi hơn... Thế mà hạnh phúc vô cùng", cô Lý chia sẻ.
Hay cô P.T.X. kể về những món quà giản dị nhưng chất chứa trong đấy thật nhiều tình cảm của học sinh và phụ huynh dành cho mình. Đó là nải chuối chín cây, đó là lít dầu ăn...
"Với những người chọn làm nghề giáo, có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất là khi thấy những học trò của mình học tốt, ngoan ngoãn và ngày càng trưởng thành, chứ không phải từ những món quà mà học sinh tặng vào ngày 20.11", cô P.T.X nói thêm.
Bình luận (0)