Thầy trò thời 4.0: Vui buồn chuyện học trực tuyến

16/11/2018 12:29 GMT+7

Không chỉ học tập, ôn bài mà ngày nay bạn trẻ còn có thể làm bài kiểm tra ngay tại nhà thông qua các ứng dụng công nghệ.

Tiết kiệm thời gian
Thời đại công nghệ không chỉ khiến khoảng cách giữa thầy - trò thu ngắn lại mà học sinh không cần phải đến lớp vẫn có thể học, trò chuyện với thầy cô hay kiểm tra ngay tại nhà. Nguyễn Trung Hiếu, 21 tuổi, sinh viên khoa công tác xã hội của Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết với trang website học trực tuyến của trường không chỉ giúp sinh viên có môi trường học tập tiện lợi mà còn hạn chế việc trễ hẹn nộp bài nhiều hơn do deadline (hạn nộp bài) là máy quản lý.
Làm bài kiểm tra trên hệ thống trực tuyến, sinh viên có thể điều chỉnh sắp xếp thời gian linh hoạt. Nguyễn Phan Bảo Hòa, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng thường dành thời gian rảnh rỗi để làm bài kiểm tra trên hai hệ thống Edomo và Blendedlearning. Nếu vẫn còn trong thời hạn nộp bài, Hòa có thể chỉnh sửa lại nhiều lần trên trang online này.

Bên cạnh hệ thống trực tuyến, các ứng dụng học tiếng Anh trên điện thoại di động giúp người học có thể vừa học vừa làm bài kiểm tra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.
Cô Trần Nguyễn Nhật Hạ, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng sử dụng app học từ vựng để khuyến khích việc học thêm từ vựng của sinh viên mỗi ngày. “Với các app học online này, giáo viên có thể tạo lớp học, thêm học viên bằng cách mời thông qua email và tạo hệ thống từ vựng. Mỗi khi có học viên vào học, hệ thống sẽ thông báo giáo viên biết học viên đó làm đúng, sai bao nhiêu phần trăm và tiến bộ thế nào qua mỗi bài”, cô Nhật Hạ nói.
Nhờ các ứng dụng mà Nguyễn Hào, 19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cảm thấy việc học tiếng Anh trở nên dễ dàng hơn. Sau mỗi buổi học, thầy dạy Anh văn của Hào sẽ đăng bài tập cũng như các bài học trên app. Đặc biệt, thầy sẽ chấm điểm, sửa bài tập ngay trên ứng dụng này. Sinh viên không chỉ vừa được học bài, làm bài tập mà còn có thể kiểm tra ngay tại nhà.
Nhiều tình huống "dở khóc dở cười"
Tuy nhiên, sinh viên kiểm tra trên hệ thống trực tuyến của trường cũng gặp không ít khó khăn. Trung Hiếu cho biết, mỗi lần làm bài trên hệ thống thường đối diện với việc mạng không ổn định. Hay mỗi lần đăng ký môn học là nỗi ám ảnh bởi số lượng đăng ký dồn dập.
Còn Nguyễn Tấn Hưng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, luôn phải chạy đua với thời gian và đôi khi sợ mỗi lần lên hệ thống học trực tuyến của trường. Tương tự như các hệ thống khác, thầy cô sẽ đăng bài giảng và video được thu sẵn để học sinh tiện theo dõi. Bên cạnh đó, còn có cả diễn đàn để trao đổi bài học cho mỗi lớp, hệ thống đề bài và lịch kiểm tra.
Tuy nhiên, Hưng luôn cảm thấy “sấp mặt” với nó. Bởi kiểm tra trên hệ thống chiếm 25% điểm quá trình và hình thức đa dạng như trắc nghiệm, tự luận, đăng hình, quay video và kiểm tra theo khung giờ quy định khiến mỗi ngày đi học của cậu bạn là nỗi ám ảnh.
“Những bạn không có máy tính thường sẽ gặp khó khăn ở hình thức kiểm tra này. Việc làm kiểm tra tại nhà có thể không xác định được năng lực chính xác của sinh viên. Vì không đảm bảo tính trung thực của từng cá nhân, dễ xảy ra hiện tượng gian lận, chép bài của nhau”, Đỗ Ngọc Kiều Trinh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, chia sẻ.
Không những thế, sinh viên kiểm tra trên hệ thống cũng gặp vài tình huống “dở khóc dở cười”: “Chưa biết cách thức nộp bài, nên mình đăng nhầm lên trang của giảng viên. Cuối cùng, giảng viên vào chấm không thấy bài đâu. May mắn cô dời hạn nộp bài nên mình có thêm cơ hội sửa lại. Còn gặp thầy cô nguyên tắc chắc bài đó bị 0 điểm rồi”, Bảo Hòa kể.
Thầy trò thời 4.0
Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thói quen và thậm chí cả quan hệ, tình cảm của con người. Trong dòng chảy đó, tình cảm thầy - trò, mối quan hệ rất được tôn trọng ở Việt Nam, có những đổi thay gì so với trước?
Trò có còn “kính nhi viễn chi” thầy, trong khi ngày nay thầy cô cũng “selfie” và đưa hình lên mạng xã hội tưng bừng như trò; cuộc sống, sinh hoạt của giáo viên đều được học trò “giám sát” thông qua mạng xã hội hay các công cụ hỗ trợ của công nghệ? Thầy cô còn độc quyền trao kiến thức cho trò khi hiện nay người học có biết bao phương tiện để nâng tầm hiểu biết? Việc dạy và học cũng đổi thay, không còn phụ thuộc vào bảng đen, phấn trắng vào việc cầm tay chỉ việc của thầy nữa, liệu có làm nhạt phai chút nào lòng tôn sư trọng đạo? Tình cảm thiêng liêng, sẻ chia, gắn bó của thầy trò có bị tác động nào trong khi nhiều nơi đã sẵn sàng đưa robot làm thay vị trí của giáo viên?...
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm, ghi nhận… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi công nghệ và hơn bao giờ hết khái niệm “công nghiệp 4.0” đã trở nên quen thuộc.
Với chủ đề Thầy trò thời 4.0, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ [email protected]. Bài sẽ đăng trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết đăng tải sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.