Theo Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, việc lên chùa xin lộc đầu năm không có nguồn gốc từ dân gian Việt Nam. Người dân lên chùa xin lộc để cầu những điều may mắn, tốt lành trong mùa xuân đầu năm để cả năm được an lành.
Theo Thượng tọa, lộc đầu năm ở đây có thể hiểu là những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bao gồm cả: tâm yên, gia đạo hạnh phúc, bình an. Lộc ban đầu được hiểu theo nghĩa là chồi non mới nhú, biểu hiện sự sinh sôi, nảy nở, phát triển. Đây là lý do mà nhiều người thường chọn chưng đào, quất (tắc), mai hay nụ tầm xuân đầu năm vì những cây này có nhiều hoa và lộc.
Thượng tọa Thích Thiện Chiếu bày tỏ: “Những hình ảnh giành lộc, cướp lộc tại lễ hội tháng Giêng được tổ chức lại các đền, chùa như vậy trông rất phản cảm. Sao lại đến nơi thiêng liêng như vậy để thực hiện hành vi "cướp với tranh giành". Nhiều người đang cho rằng cướp lộc thì mới được may mắn là quan niệm hoàn toàn sai lầm”.
Hòa thượng Thích Trí Định, trụ trì chùa Phụng Sơn (Q.11, TP.HCM) cũng cho biết tục lên chùa xin lộc đầu năm có từ xa xưa. Dân gian tin rằng lên chùa xin lộc mang về thì sẽ được hưởng phúc cả năm.
|
“Dân gian tin rằng những đồ cúng phật ở chùa đem để trong nhà là sẽ xin được phúc lành của Phật. Có người lên chùa xin được bao lì xì thì luôn mang theo mình với mong ước tiền lúc nào cũng đầy túi, xin được trái cây, bánh kẹo thì về cả nhà cùng nhau ăn để được mạnh giỏi, sức khỏe dồi dào, được hưởng lộc của Phật”, hòa thượng Thích Trí Định chia sẻ.
Cũng theo hòa thượng Thích Trí Định dân gian nghĩ rằng xin lộc của chùa sẽ được may mắn nhưng không phải như vậy. Điều này không bắt nguồn từ Phật giáo.
“Chùa không phát nhưng người ta xin, có người cúng dường xong xin cành mai, lá cây, trái quýt về để trong nhà…. nó là sự phát sinh chứ không phải bắt nguồn từ Phật giáo”, vị hòa thượng nói.
Bình luận (0)