Thay vì tận thu

30/05/2020 09:01 GMT+7

Cứ mỗi lần điều chỉnh chính sách thuế , Bộ Tài chính thường phải 'nâng lên, đặt xuống' việc sẽ bị hụt thu bao nhiêu để cân đối giữa ngân khố quốc gia và quyền lợi của các đối tượng thụ hưởng.

Cũng vì thế, nhiều chính sách thuế bị chỉ trích "tận thu".
Đơn cử như chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN), việc để quá lâu (tới 7 năm) mới điều chỉnh khiến người nộp thuế chịu nhiều thiệt thòi. Đến khi điều chỉnh thì ngưỡng thuế mới (11 triệu với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc) được đánh giá là lạc hậu ngay từ trong dự thảo, nhưng bộ này vẫn kiên quyết không thay đổi.
Trước đó, từ cuối năm 2018, hàng triệu người kinh doanh vỉa hè, xe ôm... cũng hoang mang khi bị rơi vào tầm ngắm của nhà thuế. Khi đó, Tổng cục Thuế có công văn chỉ đạo ngành thuế các cấp thường xuyên rà soát đảm bảo đầy đủ dữ liệu giải trình khi có yêu cầu với những cá nhân hoạt động không thường xuyên như xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát - không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản...).
Còn theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nộp khá nhiều loại thuế, phí như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có)...
Ngưỡng 100 triệu đồng được đánh giá là quá lạc hậu bởi một người chỉ cần bán khoảng chục tô phở, hủ tiếu/ngày... là rơi vào diện phải nộp thuế.
Chưa kể là họ không được khấu trừ tiền mua nguyên vật liệu đầu vào, tiền trả công người phụ bán... Thế nhưng sau rất nhiều phân tích, kiến nghị về sự lạc hậu, tận thu thì trong dự thảo mới nhất, luật Thuế TNCN vẫn bỏ quên các hộ kinh doanh cá thể.
Đáng nói, trong khi muốn kiểm soát tới tận bác xe ôm, người bán vỉa hè thì rất nhiều khoảng hở trong công tác thuế có thể gây thất thu rất lớn cho ngân sách. Đốt nóng dư luận mấy ngày này là nghi vấn Công ty sản xuất nhựa Tenma Việt Nam hối lộ khoảng 5 tỉ đồng cho một số quan chức ngành hải quan và thuế tỉnh Bắc Ninh để khỏi đóng 400 tỉ đồng thuế mà các hãng thông tấn Nhật đưa tin.
Vụ việc đang được điều tra làm rõ nhưng nguy cơ thất thoát khổng lồ cho ngân sách quốc gia từ việc áp mã hàng hóa là rõ ràng. Chỉ 1 vụ thôi, ngân sách có thể thất thu vài trăm tỉ đồng. Mà chuyện áp từ mã này sang mã kia rồi "cưa đôi", lại quả... giữa doanh nghiệp và cán bộ hải quan nguy cơ rất lớn.
Tương tự, việc thất thu từ chuyển giá của các "ông lớn" nước ngoài; việc những "người khổng lồ" Facebook, Google; các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới... chiếm thị phần lớn nhưng đóng thuế rất ít, thậm chí không đóng... cũng khiến ngân sách mất đi một nguồn không nhỏ.
Thế nên, thay vì tận thu với những "người có tóc" làm công ăn lương; tính chuyện quản đến tận bác xe ôm, bà bán phở; nâng lên đặt xuống ngay cả với những kiến nghị, đề xuất nhằm nuôi dưỡng nguồn thu thì ngành thuế cần quản thật chặt các khoảng hở chính sách, các lỗ hổng giám sát trong quy trình thực thi...
Việc này không chỉ giúp ngân sách có thêm một nguồn thu mà quan trọng hơn, nó còn tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.