Không nhanh thì không làm được gì cả !
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) dẫn ngay gói kích thích phục hồi kinh tế lên tới 347.000 tỉ đồng được Quốc hội (QH) thông qua từ đầu năm 2022 nhưng việc triển khai tới nay vẫn rất chậm. “Địa phương rất lo và lãnh đạo địa phương phản ánh nếu không triển khai sớm sẽ không kịp. Vì thời gian thực hiện gói hỗ trợ này chỉ đến năm 2023”, ĐB Bé nêu và đề nghị QH, Chính phủ cần quan tâm, sớm triển khai thực hiện.
Nhiều ĐBQH đề nghị thúc đẩy nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp |
Ngọc Thắng |
ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cũng bày tỏ lo lắng khi tới nay là đã gần 5 tháng kể từ khi QH thông qua, Chính phủ vẫn chưa thể trình danh mục các dự án trong chương trình phục hồi kinh tế là quá chậm. “Nếu gói phục hồi chỉ làm trong hai năm 2022 - 2023 mà thủ tục không nhanh thì không làm được gì cả”, ĐB Mai nói. ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) thì đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn tiền thuộc chương trình phục hồi sẽ dự trù chi cho các dự án nào, có thể giải ngân hết trong 2022 - 2023 hay không?
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh vấn đề hiện nay cả QH lẫn Chính phủ quan tâm là “khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp”, “chi ngân sách vô cùng khó khăn”. Chủ tịch QH cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, đặc biệt là nguồn vốn ODA thấp. Tính 4 tháng đầu năm 2022 chỉ giải ngân hơn 18%, trong khi gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế được QH thông qua từ tháng 1.2022 thì “chưa giải ngân được đồng nào”.
“Hôm qua Chính phủ mới gửi danh mục sang, nhưng mà danh mục chỉ có tên danh mục chứ không phải là loại đã chuẩn bị đầu tư xong. Đặc biệt, 14.000 tỉ đồng cho lĩnh vực y tế chưa có danh mục nào”, Chủ tịch QH thông tin.
Chủ tịch QH cũng cho biết hiện nay ngân sách thì có nhưng không dám mua. Ngay cả mua sắm liên quan phòng, chống dịch, QH, Chính phủ đã có nghị quyết cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng vẫn không dám mua. Dẫn ví dụ ngân sách năm 2020 phải chuyển nguồn sang các năm sau 600.000 - 700.000 tỉ đồng, Chủ tịch QH cho biết đây là số tiền “không tiêu được” nên phải chuyển chứ không phải không có tiền.
“Thể chế hiện nay không vướng gì, các chính sách đặc thù trong mua sắm rồi chỉ định thầu đều được “mở hết cỡ”. Không còn cái gì mở được nữa. Không chuyển biến được thì tôi cũng không hiểu”, Chủ tịch QH nói và đề nghị các ĐB góp ý, hiến kế về vấn đề này.
Siết bất động sản, đập chuột kẻo bể bình
Tiếp tục thảo luận các nội dung khác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng cần phải lành mạnh hóa thị trường bất động sản (BĐS), thị trường tài chính. Các giải pháp phải có cái trước mắt, cái lâu dài và hết sức căn cơ, bài bản, nếu không chúng ta sẽ gặp khó khăn trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, việc siết tín dụng BĐS phải làm sao cho đúng, tránh tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
“Khi chúng ta siết tín dụng vào BĐS, có hay không chuyện chúng ta đập con chuột mà không làm bể bình, hay là đã bể bình rồi?”, ông Mãi nêu và cho rằng vấn đề là làm sao siết cho đúng, để tránh ảnh hưởng đến các dự án BĐS cần tiếp tục được triển khai, dòng vốn sẽ vào, công ăn việc làm được tạo ra và chúng ta giúp nhiều gia đình được an cư.
ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cũng bày tỏ quan điểm: “Siết chặt tín dụng với BĐS chính là con dao hai lưỡi. Chính phủ chúng ta cũng cần phải rà soát lại để có chính sách hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thị trường phát triển, nắn dòng vốn lành mạnh hóa thị trường và hạn chế rủi ro”.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh), thị trường chứng khoán, trái phiếu, BĐS đang rất “nóng” thời gian vừa qua. “Ở đây, chúng ta phải xem lại công tác tham mưu trong ban hành văn bản quản lý trong lĩnh vực này. Hiện chúng ta đang định hướng bảo vệ nhà đầu tư là chỉ định bán cho ai, bán cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, hay trên quan điểm quản lý cơ chế xin - cho qua các cơ quan quản lý để cấp phép cho các doanh nghiệp huy động vốn”, ĐB Bảo nêu ý kiến.
Thảo luận về nội dung trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, song có nhiều yếu tố khiến chỉ số VN-Index đã “bốc hơi” rất mạnh trong thời gian qua. Việc xử lý các lãnh đạo doanh nghiệp sai phạm vừa qua theo Chủ tịch nước là một biện pháp để làm lành mạnh và hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn.
“Có 2 kênh rất quan trọng đó là tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu doanh nghiệp bản chất không phải là xấu nhưng điều tiết như thế nào cho tốt. Những thị trường vốn này rất quan trọng với doanh nghiệp”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Sớm xây dựng luật xử lý nợ xấu
Thảo luận về việc kéo dài Nghị quyết 42 của QH về thí điểm xử lý nợ xấu, ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho biết, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, nên việc kéo dài thêm thời hạn xử lý nợ xấu theo nghị quyết là cần thiết. Nhưng ông lưu ý, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần dự liệu những vấn đề phát sinh trong thời gian kéo dài, gắn trách nhiệm xử lý và hoàn thiện xây dựng pháp lý để đảm bảo tính liên tục, lâu dài trong xử lý nợ xấu sau khi thời hạn kéo dài kết thúc.
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cũng đặt vấn đề sửa luật để khơi thông xử lý nợ xấu, hơn là kéo dài thời hạn xử lý nợ theo nghị quyết.
Bình luận (0)