Hôm qua (9.12), các hãng thông tấn Nga như RIA Novosti và TASS dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho hay ông al-Assad cùng gia đình đã đến Moscow và được cấp quyền tị nạn vì lý do nhân đạo. Mặc dù bản thân ông al-Assad và Điện Kremlin chưa lên tiếng chính thức, nhưng chính quyền của ông ở Syria xem như chính thức sụp đổ.
Lo ngại tranh giành quyền lực
Trả lời Thanh Niên tối qua (9.12), chuyên gia tình báo quân sự Mỹ Carl O.Schuster nhận định: "Sự sụp đổ của chính quyền al-Assad mở ra cánh cửa cho tình hình mới ở Syria. Nhưng tình hình đó thế nào thì phần lớn sẽ phụ thuộc vào hành động của tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS, trước đây là Mặt trận Nusra) và các nhóm đối lập khác". Trong các nhóm quân sự đối lập, HTS hiện giữ vai trò tiên phong ở chiến dịch lật đổ chế độ của ông al-Assad.
Về ngắn hạn, ông Schuster dự báo: "Trong 2-3 tuần tới, HTS và những người còn lại của chế độ al-Assad sẽ hợp tác lập lại trật tự tại các thành phố mà cả hai đều kiểm soát, nhưng cũng sẽ có những động thái chính trị và quân sự phía hậu trường. Thủ lĩnh HTS Abu Mohammed al-Julani đã hứa sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và công bằng. Nhưng với những gì ông al-Julani từng làm trong quá khứ thì khó có được niềm tin từ các phe phái và các nước. Đây cũng là giai đoạn mà Iran đánh giá nhằm cân nhắc các biện pháp duy trì ảnh hưởng ở Syria".
"Trong năm tới, thách thức thực sự sẽ đến khi các nhóm quân sự bắt đầu tìm kiếm lợi ích và cạnh tranh giành quyền lực. Trong khi đó, Iran cũng sẽ đưa ra quyết định cách đối phó với chế độ Syria mới. Nhiều khả năng chúng ta lại phải chứng kiến một cuộc chiến nội bộ hỗn loạn ở Syria như từng thấy ở Libya sau khi chính quyền của ông Muammar Gaddafi sụp đổ vào năm 2011", chuyên gia Schuster đánh giá.
Bên cạnh đó, ông đặt vấn đề: "Nếu thủ lĩnh al-Julani cố gắng hạn chế những người theo đường lối cứng rắn, họ sẽ phát động một cuộc nội chiến. Nếu ông ta không hạn chế được họ, những người Alawite, Shiite và các nhóm thiểu số không theo đạo Hồi sẽ nổi dậy. Đó là nguy cơ tái bùng phát nội chiến".
Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng từ bên ngoài
Tuy đã thất bại trong việc bảo vệ chế độ của ông al-Assad nhưng Iran vẫn là một thế lực trong khu vực, có sức ảnh hưởng đến tình hình Syria. Hơn thế nữa, nếu không tìm cách duy trì ảnh hưởng nhất định tại Syria - vốn là vành đai chiến lược để Iran hỗ trợ cho lực lượng Hezbollah ở Li Băng, Tehran sẽ càng yếu thế ở khu vực.
"Tehran bất đồng với các chính phủ Hồi giáo dòng Sunni. Trong khi đó, HTS là một phong trào Hồi giáo Sunni", cựu đại tá Schuster nhận xét và dự đoán Iran có thể sẽ hỗ trợ cho phe đối lập với HTS.
Trong khi đó, Nga cũng đang phải đối mặt thách thức lớn về tương lai của các căn cứ quân sự mà Moscow đã thiết lập ở Syria suốt nhiều năm qua. Không chỉ hỗ trợ chế độ của ông al-Assad, các căn cứ quân sự này còn có vị thế chiến lược nên đóng vai trò quan trọng để Moscow duy trì hiện diện, ảnh hưởng tại khu vực.
Một thế lực quan trọng khác là Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang cạnh tranh ảnh hưởng với Iran ở khu vực. Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn một lực lượng đối lập là "Quân đội Quốc gia" Syria (SNA). Nhiều năm qua, Ankara luôn phải ứng phó với các lực lượng người Kurd vốn đang đấu tranh thành lập nhà nước riêng mà trong đó có phần đất của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, SNA cũng luôn đụng độ với một lực lượng đối lập khác ở Syria là Mặt trận Dân chủ Syria do người Kurd điều khiển dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.
Cho nên, sự toan tính giữa các cường quốc cả trong lẫn ngoài khu vực chắc chắn gây tác động không nhỏ đến tình hình rối ren của Syria.
Israel sẽ phá các kho vũ khí hạng nặng của Syria
Tối qua (9.12), Reuters dẫn lời ông Israel Katz, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cho biết nước này sẽ tấn công phá hủy các kho vũ khí chiến lược hạng nặng của Syria. Các kho này chứa những loại vũ khí như tên lửa đất đối không, hệ thống phòng không, tên lửa đất đối đất, tên lửa hành trình, tên lửa tầm xa và tên lửa ven biển.
Mặc dù Israel và chế độ của ông al-Assad thù địch nhau, nhưng sự sụp đổ của chính quyền ông al-Assad chưa hẳn là thuận lợi cho Tel Aviv. Bởi vì nhiều nhóm trong các lực lượng quân sự đối lập ở Syria có nguồn gốc tư tưởng từ al-Qaeda với quan điểm chính trị chống Israel. Vì thế, những ngày qua, Tel Aviv đã theo sát diễn biến ở Syria đồng thời điều động lực lượng thường trực ở khu vực biên giới hai bên.
Bình luận (0)