Thế giằng co ở bán đảo Triều Tiên

16/11/2019 08:00 GMT+7

Hàn Quốc và Mỹ sẽ cùng hợp tác để hướng tới nối lại đối thoại với CHDCND Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng muốn Washington đưa ra giải pháp khả thi trước.

Tại Hội nghị Tham vấn an ninh thường niên ở Seoul ngày 15.11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Mỹ Mark Esper nhất trí tiếp tục hợp tác an ninh giữa hai nước và Nhật Bản nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng đối phó “mối đe dọa” từ CHDCND Triều Tiên. Mặt khác, hai bên cũng nhất trí làm việc cùng nhau để nối lại đối thoại với Triều Tiên, theo Đài KBS.
Bộ trưởng Esper cho rằng Mỹ và Hàn Quốc nên linh hoạt với các cuộc tập trận chung giữa hai nước nhằm hỗ trợ những nỗ lực ngoại giao hướng tới kết thúc chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trước khi đến Hàn Quốc, ông Esper hôm 14.11 để ngỏ khả năng giảm quy mô của các cuộc tập trận chung nhằm giúp ích cho các nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên. Sau đó, Triều Tiên đưa ra phản ứng nhanh hiếm thấy, đánh giá phát biểu từ lãnh đạo Lầu Năm Góc là nỗ lực “tích cực” của Washington nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.
Cũng trong ngày 14.11, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên Kim Myong-gil cho hay người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun mới đây đề nghị tổ chức cuộc đối thoại song phương thông qua một nước thứ ba, theo KCNA.
“Nếu giải pháp cho các vấn đề được đàm phán mang tính khả dĩ, chúng tôi sẵn sàng gặp phía Mỹ mọi nơi và mọi lúc”, ông Kim nhấn mạnh, nhưng cảnh báo Triều Tiên không sẵn sàng tổ chức đàm phán nếu Mỹ tìm cách “xoa dịu” để cho qua “thời hạn cuối năm” như đã làm trong cuộc đàm phán cấp sự vụ ở Thụy Điển hồi tháng 10.
Trước đó, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố sẽ “chờ đến cuối năm” để Mỹ thay đổi yêu sách phi hạt nhân hóa. Ông Kim Myong-gil còn nhấn mạnh sẽ không có cơ hội giải quyết bế tắc hiện nay nếu Washington chỉ tìm cách thảo luận những vấn đề thứ yếu như tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) hay thành lập văn phòng liên lạc.
Trong khi đó, KCNA hôm qua đưa tin Triều Tiên gửi tối hậu thư cho Hàn Quốc vào ngày 11.11, cảnh báo nếu Seoul không tự dỡ bỏ các cơ sở do Hàn Quốc xây dựng tại khu du lịch nghỉ dưỡng núi Kim Cương, Bình Nhưỡng sẽ đơn phương làm việc này.
Cũng theo KCNA, Seoul không có phản ứng về tối hậu thư và Bình Nhưỡng sẽ tự phát triển núi Kim Cương thành khu du lịch - văn hóa toàn cầu theo phong cách của Triều Tiên.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm qua xác nhận đã nhận tối hậu thư của Triều Tiên, nhưng yêu cầu Bình Nhưỡng đối thoại để giải quyết vấn đề, theo Yonhap.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.