Thế giới chạy đua xây đường sắt cao tốc

16/04/2024 06:00 GMT+7

Nhiều nước đang hoặc sắp triển khai các dự án xây đường sắt cao tốc, trong đó Mỹ từng không chủ trương xây đường sắt cao tốc thì nay cũng nhập cuộc.

Chính phủ Mỹ và Nhật Bản mới đây tỏ ý ủng hộ một dự án xây tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Mỹ sử dụng công nghệ Nhật, sau khi lãnh đạo 2 nước gặp nhau hôm 10.4. Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách khôi phục dự án đường sắt cao tốc kết nối 2 thành phố Dallas và Houston ở bang Texas. Việc nền kinh tế lớn nhất thế giới với hơn 340 triệu dân muốn thúc đẩy xây đường sắt cao tốc đang thu hút sự chú ý, trong khi nhiều nước khác cũng đang chạy đua đầu tư vào lĩnh vực này.

Mỹ nhập cuộc

Dự án đường sắt cao tốc tại Texas có chi phí khoảng 25 - 30 tỉ USD và dài 380 km, dự kiến được xây và vận hành bởi Công ty Texas Central Partners và Tập đoàn Đường sắt chở khách quốc gia Mỹ (Amtrak). Tuyến này sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 thành phố xuống còn 90 phút, so với 3 tiếng rưỡi bằng ô tô. Các bên cho vay của Nhật, trong đó có Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã đồng ý cho vay để phát triển tuyến đường sắt dự kiến sử dụng công nghệ tàu cao tốc Shinkansen của Nhật.

Các đoàn tàu cao tốc TGV InOui tại TP.Paris (Pháp)

Các đoàn tàu cao tốc TGV InOui tại TP.Paris (Pháp)

AFP

Không chỉ tại Texas, Mỹ còn thúc đẩy dự án đường sắt cao tốc tại bang California, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 thành phố Los Angeles đến San Francisco xuống còn chưa đầy 3 giờ. Theo trang Railway Gazette International, Cơ quan Đường sắt cao tốc California đang mời các bên đề xuất và dự kiến sẽ trao hợp đồng trong năm nay để đóng 2 đoàn tàu nguyên mẫu có khả năng vận hành ở tốc độ 355 km/giờ và thử nghiệm đến 390 km/giờ. Cơ quan chức năng hy vọng tuyến đường sắt này sẽ hoạt động trước năm 2030.

Hàng loạt dự án

Nhật khởi đầu xu hướng xây đường sắt cao tốc với tàu Shinkansen vào năm 1964, nhưng cuộc đua thực sự nóng lên sau khi đường sắt cao tốc TGV của Pháp ra đời vào đầu thập niên 1980, theo CNN. Đến nay, Trung Quốc đã xây khoảng 43.700 km đường sắt cao tốc, chiếm 28,1% mạng lưới đường sắt trên cả nước. Nhiều nước châu Âu, Hàn Quốc, Nga cũng đã xây các tuyến đường sắt cao tốc hiện đại.

Theo trang Rail Technology, tổng cộng 250 dự án xây đường sắt đã khởi công trên thế giới trong năm ngoái, với tổng vốn đầu tư gần 250 tỉ USD. Châu Á tiếp tục vượt trội với 42% số dự án, trong đó có 40 dự án ở Ấn Độ và 28 dự án ở Trung Quốc. Trung Quốc đang xây đường sắt cao tốc nối TP.Diên An với TP.Du Lâm tại tỉnh Thiểm Tây. Tuyến đường sắt dài gần 240 km có tốc độ thiết kế 350 km/giờ, với vốn đầu tư 9,3 tỉ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang xây tuyến đường sắt cao tốc dài 64 km tại TP.Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang), dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Tại châu Âu, Ba Lan đang đầu tư 8,9 tỉ USD cho một siêu dự án, gồm sân bay mới phía tây nam Warsaw, nâng cấp 2.400 km đường sắt và xây thêm 1.800 km đường sắt cao tốc mới. Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin vừa công bố dự án đường sắt cao tốc VSM-1 kết nối 2 thành phố Moscow và St. Petersburg, với tốc độ lên đến 400 km/giờ và hoạt động từ năm 2030. Năm ngoái, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại Đông Nam Á đi vào hoạt động tại Indonesia kết nối Jakarta với thủ phủ Bandung của tỉnh Tây Java; hành trình 140 km chỉ mất 28 phút với tốc độ lên đến 350 km/giờ. 

Đường sắt cao tốc chưa vượt mức 600 km/giờ

Theo ABC News, ngoài Nhật và Pháp đã phát triển trước, khoảng 10 nước khác từ năm 2010 cũng bắt đầu xây đường sắt cao tốc. Không có tiêu chuẩn chung, nhưng đường sắt cao tốc thường được hiểu là tuyến đường dành cho những đoàn tàu di chuyển với tốc độ trên 250 km/giờ.

Theo PGS Philip Laird tại Đại học Woloongong (Úc), những đoàn tàu chạy trên đường sắt nên không thể đạt tốc độ vượt mức 350 km/giờ quá nhiều. Nguyên nhân được cho là giới hạn về công nghệ không cho phép tàu đi nhanh hơn. Trong điều kiện thử nghiệm đặc biệt, một phiên bản được điều chỉnh của tàu TGV (Pháp) từng đạt tốc độ 574,8 km/giờ. Ngay cả tàu đệm từ Thượng Hải (Trung Quốc), hiện là tàu đang vận hành với tốc độ cao nhất thế giới, cũng chỉ đạt mức 460 km/giờ. Chặng đường 30 km kết nối sân bay Phố Đông Thượng Hải với ga Long Dương mất khoảng 7 phút rưỡi đi tàu.

Nhật có tuyến dài 42 km đang thử nghiệm tàu đệm từ ở tốc độ 503 km/giờ, nhưng dự kiến chưa vận hành trước năm 2030. Khi bắt đầu hoạt động, tàu đệm từ thế hệ mới của Nhật dự kiến kết nối 2 thành phố Tokyo và Nagoya với tốc độ 500 km/giờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.