Vắc xin sởi, quai bị và rubella |
Reuters |
CDC mới đây cho biết số ca mắc bệnh sởi được báo cáo đã giảm vào năm 2020 sau giai đoạn bùng phát toàn cầu từ năm 2017-2019, theo CNN.
Tuy nhiên, cơ quan này không cho rằng đó là dấu hiệu khả quan. “Các đợt bùng phát dịch sởi lớn và gây rối loạn vào năm 2020 cho thấy số ca mắc bệnh sởi đã không được báo cáo đầy đủ”, CDC viết trong báo cáo hàng tuần về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Theo CDC, trong năm 2020 có khoảng 22 triệu trẻ sơ sinh bỏ lỡ các mũi tiêm phòng bệnh sởi đầu tiên, tăng khoảng 3 triệu trẻ so với năm 2019, mức tăng hằng năm lớn nhất trong 2 thập niên. Việc này đã đe dọa các nỗ lực xóa sổ bệnh sởi trên toàn cầu.
Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh vì trẻ em phải bỏ qua tiêm chủng định kỳ vì đại dịch Covid-19 |
Ngoài ra, CDC và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến các chương trình tiêm chủng thông thường cho trẻ em.
Tiến sĩ Kevin Cain, Giám đốc tiêm chủng toàn cầu của CDC cho biết: “Một số lượng lớn trẻ em không được tiêm chủng, các đợt bùng phát dịch sởi cũng như nguồn lực để phát hiện và chẩn đoán bệnh đã được chuyển sang để hỗ trợ đối phó đại dịch Covid-19 là những yếu tố làm tăng khả năng tử vong do bệnh sởi cũng như các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em”.
Theo một báo cáo mới nhất, có 24 chiến dịch tiêm vắc xin sởi được lên kế hoạch trong năm 2020 tại 23 quốc gia đã bị hoãn lại, khiến hơn 93 triệu người có nguy cơ mắc bệnh.
“Điều quan trọng là các quốc gia phải tiêm chủng Covid-19 càng nhanh càng tốt, nhưng điều này đòi hỏi có các nguồn lực mới để không phải đánh đổi bằng các chương trình tiêm chủng thiết yếu”, Tiến sĩ Kate O’Brien, Giám đốc Cục Tiêm chủng, Vắc xin và Sinh phẩm tại WHO, cho biết.
“Việc tiêm chủng định kỳ phải được bảo vệ và tăng cường. Nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ phải đánh đổi giữa một căn bệnh chết người này với một căn bệnh khác”, bà O’Brien nói thêm.
Bình luận (0)