Bloomberg đưa tin hôm qua (27.10), giá dầu WTI tăng thêm 1,54 USD lên mức 89,45 USD/thùng, giá dầu Brent tăng thêm 1,21 USD lên mức 96,9 USD/thùng.
Giá xăng dầu tăng cao đang gây nên lạm phát tại Mỹ |
N.M.T |
Kẻ được người mất
Theo Reuters, giá dầu vẫn tiếp tục đà tăng trước đó mà chưa có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc lo ngại về việc suy thoái kinh tế toàn cầu đã giảm đi, dù đà tăng của giá dầu đã phần nào giảm đi khi sức tiêu thụ hàng hóa ở Trung Quốc được cho là chưa thể sớm khôi phục. Tuy nhiên, liên quan việc nỗi lo suy thoái kinh tế giảm bớt, Reuters dẫn lời chuyên gia Tamas Varga, nhà phân tích tại Công ty môi giới dầu mỏ PVM (Anh), cảnh báo: “Có vẻ như những lo ngại về suy thoái đã giảm bớt gần đây nhưng nhiều người lại liên tục kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế lành mạnh có thể dẫn đến hậu quả điên rồ”.
Trong khi đó, Mỹ vẫn đang cố gắng kiểm soát giá dầu tốt hơn nhằm giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao mà nước này đang đối mặt. Không những vậy, Mỹ nỗ lực hạ nhiệt giá dầu còn nhằm hạn chế nguồn thu của Nga từ việc xuất khẩu dầu mỏ.
Bộ trưởng Ả Rập Xê Út chê Mỹ phản ứng kém "trưởng thành" trong quan hệ năng lượng |
Mới đây, bất chấp việc Mỹ ra sức vận động, một số đồng minh của nước này trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng với Nga và một số bên (gọi chung là nhóm OPEC+) vẫn quyết định cắt giảm sản lượng khai thác 2 triệu thùng mỗi ngày để giữ giá dầu ở mức cao. Điều này có thể giúp Moscow tăng nguồn thu, đồng thời tăng giá trị tiền ruppe trong bối cảnh Washington cùng đồng minh đang sử dụng nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào kinh tế Nga liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Giữa bối cảnh chịu tác động bởi các yếu tố trên, Mỹ cùng một số đồng minh đang cố gắng tìm ra một cơ chế áp đặt giá trần đối với dầu của Nga từ tháng 12. Đây cũng là thời điểm mà lệnh cấm vận một phần của châu Âu đối với năng lượng Nga có hiệu lực. Thế nhưng, việc đưa ra một cơ chế giá trần như mong muốn của phương Tây để trừng phạt Nga là điều không hề đơn giản. Trong khi đó, nếu điều này xảy ra, nhiều quốc gia đang mua dầu của Nga sẽ có lý do đàm phán với Moscow để giảm giá mua, nhằm tránh việc vi phạm lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ngày 26.10, báo The Jakarta Post dẫn lời bà Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, hồ hởi với cơ hội nhập dầu giá rẻ từ Nga: “Nếu đó là 60 USD/thùng thì thực sự phù hợp với túi tiền của Indonesia. Điều đó thật tuyệt!”.
Bóng ma lạm phát
Trong khi đó, giá dầu cao vẫn đang đe dọa lạm phát toàn cầu. Cuối tháng 9 vừa qua, Công ty phân tích Moody’s công bố báo cáo “Triển vọng châu Á - Thái Bình Dương (APAC): Kiểm nghiệm khả năng phục hồi sắp tới”.
Theo đó, báo cáo trên đánh giá giá cả hàng hóa sau khi tăng mức đỉnh vào tháng 4 đã dần giảm xuống. Trong đó, dầu Brent đã giảm xuống mức khoảng 90 USD/thùng sau khi đạt đỉnh gần 130 USD/thùng ở giai đoạn Nga vừa tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Việc hàng hóa giảm giá đã kịp thời kiềm chế lạm phát ở nhiều nước. Tuy nhiên, báo cáo lo ngại là giá nhiên liệu sau khi giảm do giá dầu thô giảm thì có thể tăng lại do một số nước đồng thời cắt giảm các biện pháp trợ giá đối với nhiên liệu. Bên cạnh đó, dầu thô có thể lại biến động trong tháng 1.2023 khi các lệnh trừng phạt mới của châu Âu đối với năng lượng của Nga có hiệu lực. Điều này không chỉ làm giá nhiên liệu tăng cao mà còn dẫn đến chi phí vận chuyển tăng trở lại khiến giá các loại lương thực tiếp tục ở mức cao.
Mỹ buộc phải điều chỉnh kế hoạch áp trần giá dầu Nga |
Trả lời Thanh Niên ngày 27.10, GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) chỉ ra một lo ngại trước nguy cơ lạm phát ở nhiều nước do tỷ giá USD tăng cao. Cụ thể, vị chuyên gia này đặt vấn đề: “Những bên nhập khẩu hàng hóa được định giá bằng USD (và không xuất khẩu hàng hóa được định giá bằng đô la, với một số giá trị gia tăng) nhưng nội tệ lại giảm giá trị. Những nước như vậy sẽ bị lạm phát. Điều này gây tổn hại cho những người rất nghèo và các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực và nhiên liệu”.
Bình luận (0)