Thế giới háo hức đọc tin tốt giữa đại dịch Covid-19

14/04/2020 15:45 GMT+7

Nhiều người thường chú ý đến tin tiêu cực để thay đổi hành vi nhưng xu hướng này đã thay đổi trong đại dịch Covid-19 .

Theo AFP ngày 14.4, nhiều người đang tìm cách lấy lại tinh thần bằng cách tìm kiếm những tin tốt lành trong bối cảnh liên tiếp có những dòng tiêu đề bi thảm, những con số kinh hoàng và không có gì đoán trước được về đại dịch Covid-19.
Các trang chuyên về tin tốt đẹp tăng trưởng nhanh chóng trong vài tuần qua và từ khóa “good news” (tin tốt đẹp) tăng gấp 5 lần kể từ đầu năm nay.
Trang Good News Network ra mắt năm 1997 ghi nhận lượng truy cập tăng gấp 3 lần trong tháng qua với hơn 10 triệu lượt, theo nhà sáng lập Geri Weis-Corbley.
“Mọi người đang gửi cho chúng tôi các đường dẫn đến những điều tích cực, gây cảm hứng đang xảy ra tại nơi ở của họ, do đó chúng tôi có rất nhiều tin tốt đẹp để đăng”, theo ông Weis-Corbley.
Trước đại dịch Covid-19, trang tin này cũng từng thu hút nhiều lượt xem sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 ở Mỹ hay khủng hoảng tài chính năm 2009.
“Chúng tôi cho rằng mọi người đang mong mỏi tin tốt đẹp và xu hướng này sẽ tiếp diễn”, ông Weis-Corbley nhận định.

Trang Good News Network có lượng truy cập tăng vọt trong đại dịch Covid-19

Ảnh chụp màn hình

Các trang khác như The Guardian, HuffPost, Fox News, MSN và Yahoo cũng có những phụ trang riêng với các tin tích cực. Mục “The Good Stuff” (tạm dịch: Điều tốt đẹp) của CNN đưa ra vào năm ngoái có số tài khoản đăng ký tăng 50% trong tháng qua.
“Đội ngũ biên tập nhận thấy mối quan tâm gia tăng đối với những câu chuyện có thể làm khán giả cười, những phát minh thú vị, anh hùng đời thường, giây phút tạo cảm hứng và những điều tốt đẹp xảy ra khắp thế giới”, theo một phát ngôn viên của CNN.
Diễn viên người Mỹ John Krasinski cũng tham gia xu hướng này với chương trình “Some Good News” (tạm dịch: Một số tin tốt đẹp) hằng tuần trên YouTube từ ngày 29.3.
Các đoạn video của ông vinh danh những “anh hùng sức khỏe” và sự xuất hiện của những người nổi tiếng, kể cả vợ ông là diễn viên Emily Blunt, thu hút 15 triệu lượt xem ngay tập đầu tiên.

"Đóng cửa" với khủng hoảng

Các chuyên gia cho rằng một số người bắt đầu tỏ ra mệt mỏi với nhiều tin tức đáng buồn về đại dịch Covid-19. Theo ông Clarence Eweards sống tại thủ đô Washington (Mỹ), nhiều người bị thu hút vào các tin tiêu cực xuất hiện hàng loạt.
“Tôi cho rằng truyền thông chú ý đến tin tức nào giúp họ bán được, và chủ yếu là những tin đáng sợ và xấu”, ông nhận định.
Giáo sư Stuart Soroka thuộc Viện Nghiên cứu xã hội tại Đại học Michigan (Mỹ) cho rằng người con người vốn chú ý đến các tin tiêu cực nhiều hơn để giúp họ thay đổi hành vi. Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19, việc nhiều người tìm kiếm các tin tốt đẹp là trái với xu hướng này.
Theo giáo sư Ashley Muddiman tại Đại học Kansas (Mỹ), các tin tích cực có thể là cách giúp mọi người đối phó với khủng hoảng như đại dịch Covid-19.
“Có nhiều nghiên cứu cho rằng khi con người quá sợ hay mọi việc quá tiêu cực, họ có thể cố gắng “đóng cửa” lại thay vì nỗ lực làm điều gì đó cho cuộc sống”, chuyên gia này nhận định.
Liên quan đến tình hình dịch Covid-19, theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ) ngày 14.4, thế giới ghi nhận 1.921.369 người mắc Covid-19, trong đó 453.289 người đã hồi phục và 119.730 người tử vong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.